‘Đặc sản’ văn hóa FPT

Các hoạt động văn hóa này không trực tiếp tạo ra tiền bạc nhưng đem lại cho công ty những giá trị vô hình rất lớn.

Ngày phụ huynh

Trong chuyến thăm phụ huynh của một CBNV qua đời, anh Nguyễn Thành Nam (nguyên TGĐ FPT Software) đã rất xúc động khi thấy gia đình rưng rưng trước sự quan tâm của công ty. Từ đó, anh ôm ấp ý tưởng về một ngày mời tất cả phụ huynh của FPT Software đến gặp mặt lãnh đạo, tìm hiểu về nơi con mình làm việc và để con cái có thêm dịp nhớ đến công sinh thành của cha mẹ.

Sau đó, ngày 19/11 được chọn là ngày Phụ huynh FPT Software, kể từ năm 2006. Sở dĩ chọn ngày kỷ niệm trước Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 bởi theo đạo lý của tổ tiên, mỗi người cần ghi nhớ “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”.

Trong ngày này, phụ huynh được hướng dẫn tham quan nơi làm việc, gặp lãnh đạo trực tiếp của con mình, nghe giới thiệu về công ty và được lãnh đạo cao nhất bày tỏ lòng biết ơn đối với gia đình vì sự đóng góp của con cái họ cho sự phát triển của FPT.

Văn hóa STCo

Ra mắt tại khách sạn La Thành, Hà Nội vào ngày 13/9/1992, STCo được viết tắt từ chữ “Sáng tác Công ty”, là tên một tổ chức không có thật nhưng hiện hữu trong lòng mỗi thành viên FPT. Văn hóa STCo không chỉ thể hiện bằng những bài hát, thơ, kịch và các hình thức khác mag tính sáng tạo và hài hước mà còn thể hiện ở cách ứng xử giữa người với người trong FPT, một cách ứng xử chân thành, gắn bó thân thiết như ruột thịt. Thông qua văn hóa STCo, người FPT hiểu nhau và xích lại gần nhau hơn.

Cách đây hơn 10 năm, sân khấu STCo phát triển đến độ cực thịnh. Cùng với đó là sự ra đời của các chức danh “Viện sĩ”, “Bát tiên”, “Thập tam quỷ” để tôn vinh những cá nhân có những đóng góp nổi bật cho phong trào FPT.

Hội làng FPT

Chủ tịch Trương Gia Bình là người khởi xướng tổ chức Hội làng bởi theo anh, “lũy tre làng là thành đồng của tổ quốc. Vì vậy, Hội làng chính là biểu tượng sức mạnh của văn hóa dân tộc, là khát khao của FPT mong muốn chinh phục thế giới”.

Những năm đầu, vào dịp Hội làng, cờ phướn được treo xung quanh công ty. Các CBNV cùng nhau mổ lợn, nấu bánh chưng, thi chạy lên chạy xuống các tầng ở 89 Láng Hạ (Hà Nội)... Nhiều tiết mục văn nghệ ở Hội làng cũng rất hấp dẫn với màn diễn hài, hát ca trù và chèo.

Hội làng giờ đã được tinh giản, chỉ diễn ra trong một buổi sáng hoặc chiều. Khi các lãnh đạo FPT xúng xính trong trang phục truyền thống của vua quan thực hiện nghi thức tế lễ xong thì là phần hội với sự góp mặt của phường chèo, trò chơi và cỗ bàn linh đình với đủ món ăn truyền thống. Mọi người vừa ăn uống vừa tham gia trò chơi, thưởng thức những tiết mục văn nghệ độc đáo và háo hức đón màn rước Trạng.

Lễ rước Trạng nguyên FPT tại hội làng.

Lễ hội 13/9

Lễ hội được tổ chức bài bản, có quy mô đầu tiên phải kể đến lễ kỷ niệm 5 năm thành lập FPT (khoảng năm 2000). Từ đó, 13/9 hằng năm đã trở thành ngày hội truyền thống quan trọng nhất của công ty. Lúc đầu chỉ có ăn uống, sau thêm hội diễn văn nghệ và đại hội thể thao Olympic.

Hội thao được tổ chức lần đầu tiên vào 13/9/1996 tại trụ sở 89 Láng Hạ, Hà Nội. Các đội tham gia diễu hành và thi đấu các môn thể thao truyền thống. Từ Olympic 2003, màn diễu hành có thêm phần thi đồng diễn. Trước khi tổ chức Hội thao bao giờ cũng có giải bóng đá 13/9.

Hội diễn STCo ra đời từ rất sớm, đánh dấu bằng sự xuất hiện của điệu múa “Thiên Nga giãy chết” do Viện sĩ Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch ĐH FPT, biểu diễn trong buổi ra mắt văn hóa STCo ngày 13/9/1992.

Những năm gần đây, FPT có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước nên Lễ hội 13/9 diễn ra quy mô ở nhiều vùng miền như: Cần Thơ, Đà Nẵng, TP HCM, Hà Nội.
Hình ảnh lễ hội 13/9 tại Hà Nội

Trạng FPT

Cuộc thi Trạng FPT được tổ chức từ năm 1998, nhằm tìm ra những cá nhân xuất sắc, có năng lực, ham học hỏi và cầu tiến để vinh danh. Đồng thời, qua cuộc thi tìm kiếm được các cán bộ nguồn và cổ vũ phong trào học tập thi cử trong FPT.

Trải qua 15 mùa thi trạng, FPT đã ghi danh 13 Trạng nguyên vào Bảng vàng (năm 2004 có danh hiệu Bảng nhãn và Thám hoa). Đa phần Trạng nguyên FPT đều được tấn phong và giữ những vị trí quan trọng ở các đơn vị thành viên.

Trong mỗi kỳ Hội làng, lễ sắc phong và vinh danh Trạng nguyên được tổ chức rất long trọng. Ngoài lễ rước, Trạng nguyên FPT còn được được khắc tên trên bia đá được đặt trên lưng rùa và bày trang trọng ở văn phòng công ty để vinh danh.

Ngày đi làm cùng bố mẹ

Từ năm 2012, chương trình này được tổ chức dành cho con CBNV FPT. Trong ”Ngày đi làm cùng bố mẹ”, các bé sẽ được lựa chọn lĩnh vực của công ty để tham gia trải nghiệm các công việc. Ngoài ra, các cháu còn được nghe giới thiệu về FPT, giao lưu với lãnh đạo của tập đoàn, tham quan các khu làm việc để hiểu hơn về công việc của bố mẹ mình.

Tuy chỉ diễn ra trong một ngày nhưng chương trình đã giúp cho các FPT Teen hiểu hơn về công việc của bố mẹ, đồng thời có định hướng tốt cho công việc sau này.

Doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam có nội san

Vào mùa hè năm 1995, Chủ tịch Trương Gia Bình gọi chị Vũ Thanh Hải (TBT đầu tiên của Chúng ta) và bảo: "Anh muốn làm một tờ báo nội bộ". Khi ấy, TBT VnExpress Thang Đức Thắng cũng được mời đến làm cố vấn. Trong một quán café trên phố Yết Kiêu (Hà Nội), cả nhóm họp bàn đặt tên cho báo là F1, ngụ ý là phím Help, nhưng anh Bình nói đặt là Chúng ta. “FPT sẽ có tất cả, chỉ thiếu một chút tình. Chúng ta sẽ là sợi dây tình cảm kết nối thành viên FPT”. Và tờ báo nội bộ lâu đời và mang đậm bản sắc FPT được khai sinh ngày 31/12/1995.

Thời gian đầu, nội san được phát hành mỗi tháng một số. Từ tháng 12/1998, Chúng ta đồng hành cùng CBNV FPT hằng tuần thông qua tờ nội san bản in và cả phiên bản online sau này. Theo xu hướng chung của báo chí thế giới, từ sau số báo Xuân 2013, Chúng ta không phát hành bản in hằng tuần để tập trung phát triển phiên bản điện tử Chungta.vn.

Ngoài các sự kiện nói trên, FPT còn duy trì các ngày truyền thống nhiều năm nay, đó là: Ngày Vì cộng đồng (13/3), Ngày Thể thao FPT (26/3), Ngày hướng về cội nguồn (10/3 âm lịch), Ngày Văn nghệ FPT (19/5), Ngày Gia đình FPT (thứ Bảy tuần thứ ba của tháng 11), Ngày Nhân viên mới (ngày thứ Bảy tuần đầu tiên trong tháng)…

Thùy Dương
(Sưu tầm)
Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn