Ai là người đầu tiên phải hài hòa?

Ngày nay, ai cũng nói đến vận dụng triết lý âm dương ngũ hành. Người sáng lập ra FPT, Chủ tịch Trương Gia Bình, cũng thường xuyên nhắc nhở: Một trong các triết lý căn bản của FPT là Hài hòa âm dương ngũ hành.


Nhưng lịch sử xưa nay chứng tỏ, dân bao giờ cũng hài hòa. Sự thiên lệch chỉ có ở các ông vua, chẳng hạn ông này quá cứng rắn hoặc ông kia quá nhu nhược… Phần lớn những ông vua thiên lệch không có khả năng nhận ra sự cân bằng sẵn có trong dân chúng. Vì thế, mọi hành động của ông ta, dù với thiện chí dung hòa, cũng chỉ tạo ra sự hỗn loạn.


 Hàng năm vào dịp cuối năm âm lịch, người FPT sẽ tham gia 'Hội làng' cùng tế lễ cầu cho một năm mới "thiên thời địa lợi" cho "mùa màng" năm sau, đặc biệt là cầu mong phúc lành cho người FPT. Bên cạnh đó là các hoạt động tuyên dương khen thưởng và phần hội với các hoạt động mang tính dân gian, mọi người dự tiệc quây quần bên nhau.


Vua là người đứng đầu thiên hạ, có quyền sinh quyền sát, nhưng không đi đến thái quá vì còn biết sợ Trời. Vì vậy, từ đời Lý, các vị vua đều xây dựng một nơi để hàng năm đăng đàn tế Trời gọi là Đàn Nam Giao (rất nhiều người tưởng Đàn Nam Giao là một loại đàn). Ở FPT, Chủ tịch HĐQT là người to nhất. Nếu Chủ tịch không biết sợ ai, sớm muộn gì cũng đi đến chỗ thái quá. Vì thế, nên xây dựng Đàn Nam Giao để hàng năm Chủ tịch đăng đàn tế Trời. Thủ tục cũng không cần quá cầu kỳ. Chỉ cần một quý ăn chay, một tháng không trai gái, một tuần không nói tục, một ngày không nghĩ bậy là có thể đăng đàn. Lúc tế Trời cũng không cần dập đầu đến nát trán. Chỉ cần lúc ngẩng đầu lên thấy trán có dính đất là được công nhận có thành tâm.


Chủ tịch hài hòa là công ty hài hòa, bởi vì như đã nói ở trên, nhân dân bao giờ chả trung dung.


Lời bàn:

Theo Kinh Dịch, “Càn” - quẻ đầu tiên trong “Bát quái”, là quẻ nói về những biểu tượng cao cả nhất như Trời, Vua, Chủ tịch HĐQT… Những biểu tượng ấy thuộc về dương. Nhưng nếu ông vua, người cầm cân nảy mực trong thiên hạ, mà chỉ thuần dương thì dễ sinh ra cương, bạo. Cho nên cần phải có sự bổ sung để tạo ra sự hòa hợp giữa âm dương, cương nhu… thì mới hữu ích cho vạn vật.


Để không bị thiên lệch, sau khi có quy hoạch tổng thể kinh thành Huế, Minh Mạng, một vị vua anh minh có nhiều đóng góp cho đất nước, đã cho dời Điện Thái Hòa về vị trí trung tâm. Lý do rất đơn giản nhưng hệ trọng: Đó là nơi đặt ngai vàng. Để không bị thiên lệch, phòng của Chủ tịch HĐQT nên chuyển về trung tâm tòa nhà FPT. Không cần chỗ cao nhất, nhưng không được để cho đứa nào ngồi trên đầu. Phòng của Chủ tịch phải gọi là Phòng Thái Hòa để thường xuyên lấy đó làm điều răn. Hai chữ “Thái Hòa” có gốc từ Kinh Dịch. Ở phần về quẻ Càn, trong sách này có câu: “Bảo hợp thái hòa, nãi lợi trinh” (tạm dịch: Giữ gìn được sự hài hòa thì có lợi ở điều chính). Sách Trung Dung cũng viết: “Trung là cái gốc lớn thiên hạ, Hòa là cái đạo lớn thiên hạ. Khi thực hiện được sự Trung Hòa tột cùng rồi thì trời đất yên ổn, vạn vật sinh sôi nảy nở”. Ta nên biết, các bậc thánh hiền khác nhau, ít khi trùng chính kiến, vậy mà với chữ Hòa, ý tứ lại giống nhau. Thật hiếm có!


Nguồn: Đồng Đội

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn