Bát tiên FPT, họ là ai?

Đến với FPT, không chỉ có công việc mà hơn cả thế, đây là nơi người nhà F được thể hiện, sống với những đam mê nghệ thuật của mình. Với 8 thành viên nổi bật, đã có những đóng góp ở mảng văn hóa nghệ thuật - bát tiên đã ra đời.


1, Viện sĩ bất thường Phan Phương Đạt (FSoft)


Anh sinh ra trong thời bao cấp, lớn lên bị toán học bần cùng hoá. Những tưởng anh sẽ bị khô héo bởi công tác nhân sự và đào tạo tại Fsoft, vậy mà anh vẫn âm thầm hoạt động nghệ thuật. Môi trường làm việc khắc nghiệt theo chuẩn CMM đã tạo điều kiện cho anh đưa ra các vở diễn đậm tính quân phiệt, cưỡng bức tập trung số lượng lớn thanh niên tham gia diễn xuất như trong vở diễn “Trại lập trình viên” với phong cách đạo diễn chịu ảnh hưởng sâu sắc của giới quản giáo. Anh là người có công đưa ánh sáng đến được những vùng tối tăm nhất trên cơ thể người phụ nữ, sẽ không ai có thể quên nếu đã từng được chứng kiến những ánh đèn nhấp nháy trên người em Mỹ Ngọc sau tiếng chào mời đầy quyến rũ của Hải Long: Xem Hàng. Một lòng tâm huyết với công ty, sắc cờ 3 màu FPT luôn trong trái tim anh, và đã được anh thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật ẩn dụ, thấp thoáng bay trên (xl, bay dưới) tà váy hồng của các thiếu nữ FSoft trong lễ hội Olympic 13/9 năm 2005 vừa qua gây xôn xao dư luận.


2, Kịch bản kiêm đạo diễn xuất sắc Nguyễn Thanh Bình (FMB)


Có thể nói tài năng của anh đã lác đác phát tiết ra từ đó, khi anh còn trong đội bảo hành, tham gia nhà hát rệu rã YKU. Sự thất bại của đội nhà lại chính là nguồn cảm hứng để anh cho ra đời các bài văn tế não nề, ai oán. Mấy năm trở lại đây, anh về FMB. Với môi trường buôn bán nhiều tiền, chịu chơi, anh tha hồ tung hoành trên sân khấu, khi thì làm phim, khi thi làm Video Clip. Tài năng của anh ngày càng được khẳng định. Anh là người duy nhất trong công ty tham gia viết kịch bản và đạo diễn cho hầu hết các kỳ hội diễn. Anh xứng đáng được trao tặng nhiều danh hiệu nhà viết kịch bản xuất sắc, đạo diễn xuất sắc. Nhưng đối với riêng tôi, MẶC MINI JUYP NGỒI XỔM TRÊN DƯ LUẬN MÀ SỐNG của anh mới chính là tác phẩm sống mãi đời đời.


3, Diễn viên xuất sắc nhất giai đoạn sơ khai Nguyễn Bạch Điệp


Trong FPT, nàng là dân bán hàng lâu đời, là người con miền Nam thân thương. Thời kỳ sơ khai của văn hoá STCo, thời kỳ văn hoá hiện thực phê phán, nàng đã thành công khi đưa lên sân khấu cuộc sống lầm than của người FPT. Nàng đã từng dũng cảm, hy sinh bản thân lên sân khấu đóng vai Thị Nở nằm chềnh ềnh chờ... anh Chí. Lần ra mắt đầu tiên, tại Hội diễn văn nghệ phía Nam năm 1997, nàng là đạo diễn cho chương trình của Baleco với những tiết mục "Hành khúc Baleco" và đưa ra nghệ thuật bán hàng "chiều khách 1 tí, hở hang 2 tí". Một trong những vai diễn để đời của nàng là vai Công Tôn Sách trong vở Vụ án hàng tân trang. Nàng đã đưa vở diễn này lên một tầm cao mới và đã được công diễn tại Nhà hát Thành phố (mấy ai có vinh dự này!). Nàng, có thể nói vừa là một nhà tổ chức có tài, vừa là một đạo diễn, vừa là một diễn viên xuất sắc. Nàng là nữ tướng duy nhất của FPT hoạt động trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật và xứng đáng được tôn vinh trên sân khấu STCo.


4, Diễn viên xuất sắc giai đoạn Toàn cầu hóa Nguyễn Đắc Việt Dũng


Giai đoạn toàn cầu hóa có thể ví như giai đoạn chiến tranh ác liệt, tất cả cho tiền tuyến của FPT. Các hoạt động văn hoá thời kỳ này đều tập trung phục vụ lý tưởng công ty “xuất hay là chết” mang tính cổ động, phong trào. Và bông hoa Nguyễn Đắc Việt Dũng đã tranh thủ nở ra ngay trong thời kỳ này. Kể ra trước đó, Việt Dũng đã xuất hiện trên sân khấu với các vai chính phụ khác nhau, trong đó phải kể đến vai bác sĩ sinh lý học trong Tư vấn tình yêu. Tên tuổi anh bắt đầu nổi lên khi anh tham gia đóng vở bi kịch Tiễn anh đi Ấn Độ, đóng vai 1 thư ký đáng thương bụng mang dạ chửa ra tiễn sếp lên đường làm rơi lệ hàng trăm người. Tiếp đó đến vở diễn hoành tráng đầu tiên của STCo Huyền thoại trăm trứng, với vẻ mặt lạnh lùng, dửng dưng, anh đã lột tả được đầy đủ tính cách người cha đã đi vào huyền thoại với việc đẻ ra đúng 100 trứng, không hơn không kém. Anh là 1 trong những người đầu tiên lên sân khấu với trang phục bình dị nhất, 1 cái quần sịp và 2 dải khố đã qua sử dụng. Đã 2 lần anh lên sân khấu với cùng vai Kim Trọng trong 2 vở diễn khác nhau. Cả 2 Kim Trọng hoàn toàn khác nhau.


Có thể nói, Việt Dũng là 1 diễn viên đa tài. Anh có ngoại hình vừa mang chất bi kịch vừa có chất hài kịch. Xin cám ơn Việt Dũng về sự đóng góp của anh trên sân khấu STCo.


Bát Tiên FPT ra mắt tại lễ kỷ niệm 10 năm STCo


5, Diễn viên xuất sắc giai đoạn hoành tráng Nguyễn Tiến Dũng


Kể ra khi chưa có anh, chưa có Quốc béo và khi các vở diễn trong hội diễn FPT còn nói ít, diễn nhiều thì FIS mới chỉ là con số 0 về hoạt động nghệ thuật. Anh làm việc tại FIS, cũng là nơi nói ít, làm nhiều. Anh không thích thế. Gặp thời, khi Hội diễn công ty đang giai đoạn thoái trào, Anh nhảy vào, lên sân khấu, cùng vài nữ diễn viên trẻ đẹp vừa tuyển đang thử việc, anh hát, anh nói, anh diễn làm sôi động không khí trầm lắng mấy năm liền của Hội diễn. Từ Thúc Sinh đến Xuân tóc đỏ, vai nào anh cũng diễn hết mình, nói hát thoải mái bõ công những ngày làm việc câm như hến tại FIS. Sau khi anh lên sân khấu, giai đoạn nghệ thuật hoành tráng, chuyên nghiệp STCo bắt đầu với các màn múa, hát, nhạc đồ sộ của các đội.

Ngoài nghề chính là lên sân khấu Hội diễn 13/9 hàng năm, Anh còn cùng với Quốc béo lập 1 boy band chuyên đi biểu diễn các nơi, các sự kiện khác trong công ty. Anh cần được nói, được hát. Anh là


6, Nhà thiết kế sân khấu Nguyễn Hoàng Long (FOX)


Để có thể giới thiệu một cách chân thật nhất về anh, nhà thiết kế sân khấu chuyên nghiệp và đại tài, chúng tôi xin trích tự thuật của anh:

- Em vào cty từ năm 2000.

- Em nhớ là em có thiết kế sân khấu STCo mấy năm (năm có anh Bình lên biểu diễn Kungfu, năm có diễn Truyện kiều).

- Em thiết kế biểu tượng Olympic các năm (hiện tại vẫn dùng): Ngọn lửa 3 màu, các icon thi đấu, rồi linh tinh poster, tờ rơi.

- Em thiết kế sân khấu cho Sao chổi đầu tiên.

- Về tham gia STCo của FOX thì cũng tham gia hầu hết, cũng đã từng lên sân khấu mặc áo dài, đội tóc giả múa năm ở rạp tháng 8, thời trang cười...


Ngoài ra, anh còn là người thiết kế cho LiveShow đầu tiên và duy nhất công ty: Một chút Khắc Thành vào tháng 6/2003.

Xin cám ơn nhà thiết kế Nguyễn Hoàng Long.


7, MC xuất sắc Trần Tuấn Việt (FMD)


Anh trở thành người của công chúng 1 cách ngẫu nhiên. Sau khi ẵm trọn giải nhất Hành trình văn hoá, với vẻ mặt thư sinh, ăn nói có vẻ thật thà, anh được nhiều nơi để ý và mời làm MC. Samsung ra sản phẩm mới cũng mời anh, tổng kết cuộc thi của Nokia cũng có mặt anh, rồi thì lễ hội Noel, khai trương Showroom, v.v và v.v, đó là chưa kể những lần không được mời mà anh vẫn vô tư nhảy lên cướp micro người khác. Nghe nói anh còn làm MC cho vài lễ động nhà thổ (xl, động thổ nhà) dân. Xin trân trọng rước


8, Nhà phê bình nghệ thuật Thái Thanh Sơn (FDC)


Có nhiều người ghen ăn ghét ở mô tả anh như là một người bé tí, lùn tẹt và xấu xí. Thực ra anh là người có tài. Anh có tài văn thơ. Những áng thơ tuyệt tác về trăng của anh dưới bút danh NET.BAD từ thời sơ khai của mạng TTVN chắc vẫn nhiều người còn nhớ. Anh có tài viết kịch: Nam mô sâu sáng tuyệt thông phong, vở diễn đạt giải nhất hội diễn 13/9/2004 đã đem lại những tiếng cười sảng khoái cho biết bao nhiêu người. Anh có tài kinh doanh: Hình ảnh anh TG Bình bế hoa hậu Thái Thanh Sơn đặt vào chiếc ghế trong lễ tôn vinh 2005 chắc chắn đã đi vào lịch sử.


Còn nhiều, nhiều lắm những tài lẻ của anh mà chúng ta có thể liệt kê. Nhưng người ta biết đến anh không phải vì những cái đó, anh nổi tiếng duy nhất trong một lĩnh vực, đó là chửi nhau.


Nguồn: Bảo tàng FPT 

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn