Chủ tịch Trương Gia Bình: ‘Người F phá quy tắc, thăng hoa STCo đỉnh cao’

20h tối 13/9, FPT chào đón sinh nhật lần đầu tiên theo hình thức STCo online có 1-0-2 sau 32 năm phát triển, với hơn 1.000 lượt theo dõi cùng thời điểm (real-time) trên nền tảng Workplace và hơn 4.500 lượt xem trên FPT Play.


Mở đầu Hội diễn STCo Online, ca khúc “Come Together” nhẹ nhàng, mượt mà nhưng vẫn truyền tải được không khí náo nức của người F mỗi dịp sinh nhật. Kết hợp với vũ đoàn, nữ ca sỹ nhà F Bối Vy cùng Thái Sơn Beatbox dần đưa người F hoà chung nhịp đập, để về chung một nhà là FPT.

Điểm nhấn của chương trình tập trung vào vở nhạc kịch “Chung một dòng sông”. Dòng sông FPT chảy suốt 32 năm qua, uốn mình qua nhiều khúc quanh biến động của lịch sử. Cũng như bao dòng sông khác, dòng sông FPT cũng có nhiều ghềnh thác, lúc lũ tràn, lúc khô cạn, chất chứa dưới đáy những tảng đá ngầm và có sức mạnh bào mòn mọi vật cản, thậm chí cả ý chí con người. Người FPT đang sống và làm việc trên chung một dòng sông - Dòng sông FPT.Trong hình là đội ngũ Thượng Lưu trong vở nhạc kịch. 

Trải qua quá trình phát triển, dòng sông FPT đã hình thành 2 khu vực, đó là Thượng Lưu và Hạ Lưu, có liên quan mật thiết với nhau. Mọi hành xử trên Thượng Lưu đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Hạ lưu. Môi trường Thượng Lưu trong sạch, Hạ Lưu sẽ được hưởng dòng nước trong xanh. Thượng lưu đưa nước về, Hạ Lưu mới có sự sống. Thượng Lưu dữ dội thì Hạ Lưu không thể bình yên.Đội ngũ Hạ Lưu trong "Chung một dòng sông".

Chương trình nghệ thuật mừng sinh nhật FPT “Chung một dòng sông” là một vở nhạc kịch STCo mô tả cuộc sống con người trong giai đoạn đầy nguy cơ, thách thức trên Dòng sông FPT. Những câu chuyện, những tâm tư, những chia sẻ của người FPT trên cả 2 đầu con sông, Thượng Lưu và Hạ Lưu được thể hiện qua ca khúc “Chung một dòng sông” do chị Hương Giang và Phương Thảo thể hiện. “Mùa thu ấy, năm tám tám, sông đã khơi dòng/Chảy xa mãi, từ quá khứ, vắt sang tương lai/Nhớ năm xưa, khi bắt đầu, chỉ loay hoay kiếm ăn/Có ai ngờ, ngày hôm nay, ta lớn như này”.

Khán giả tiếp tục được một lần bất ngờ với giọng hát và cách thể hiện của anh Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT. Mặc dù không có nhiều thời gian tập luyện nhưng nét mặt, lời hát, cử chỉ của anh đều khiến mỗi thần dân trên dòng sông FPT cảm nhận được tình hình cấp bách trước hoàn cảnh khó khăn. 

Tâm sự anh Bình qua “Đôi bờ” - những lời tâm huyết nhất của người đứng đầu FPT đầy cảm xúc, nhưng đồng thời chúng ta cũng hiểu rằng, đó cũng chính là những chỉ đạo tế nhị, khéo léo nhưng rất quyết đoán. Dòng sông FPT tưởng chừng sẽ chảy mãi không ngừng. Nhưng đại dịch Covid đã bùng phát toàn cầu làm cuộc sống loài người thay đổi hoàn toàn. Kinh tế thế giới bắt đầu suy thoái. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam có doanh thu sụt giảm. Số lượng các doanh nghiệp phá sản tăng nhanh chưa từng có. Nhiều doanh nghiệp đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Trong Covid, FPT luôn đưa ra những quyết sách, chiến lược từ sớm. Trên dòng sông FPT cũng vậy, Đập Chuyển 10 được xây dựng. FPT đã chuyển từ thời bình sang thời chiến. Đại dịch buộc chúng ta phải chuyển dịch. Người FPT sẽ sống và làm việc trong tình trạng mới. 

Trong sự phát đạt, người FPT có thể đôi khi say sưa chiến thắng, hồ hởi, phấn khởi, tự hào mà thiếu đi sự gắn kết. Nhưng trong khó khăn, người FPT luôn đồng lòng. Những tâm tư đó được “cánh tay phải” của Chủ tịch FPT, CEO Nguyễn Văn Khoa thể hiện thu hút qua ca khúc “Xây đập Chuyển 10” (trên nền nhạc Anh thanh niên)

Xây đập Chuyển 10 xong, toàn dân nhà F sẵn sàng công cuộc chống dịch, nội dung của chương 4 nhạc kịch. “Để sông có nước sông/Để con suối có nơi vẫy vùng/Hạ quyết tâm ta dốc lòng/Xây cái đập điều tiết nước là xong” Đó là cùng là lúc nghệ sỹ Trương Quý Hải cổ vũ động viên toàn dân F xây đập chống khó.

Chương 5 của tác phẩm thêm phần thú vị khi có sự xuất hiện của “Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng. Trên nền nhạc Obladin Obladin, “Sao chưa thấy nước về” vang lên đầy hài hước qua sự thể hiện của anh Dũng. Cùng với nhân dân cả nước, những nỗ lực phòng chống dịch của người FPT đã tạm thời đẩy lui dịch Covid. Chúng ta trở về trạng thái bình thường. Nhưng là trạng thái bình thường mới, vừa sẵn sàng chống dịch, vừa phát triển kinh doanh. 

Kinh tế cả nước vẫn còn khó khăn sau đại dịch. Người FPT lại hối hả lo toan cho cuộc sống. Con đập chắn ngang dòng sông FPT trong thời chống dịch nay lại là nguyên nhân gây thiếu nước dưới Hạ Lưu. Dòng nước khan hiếm, quý giá từ Thượng Lưu về đã được con đập giữ lại, không thất thoát một giọt nào xuống Hạ Lưu. Người dân Hạ Lưu bắt đầu bức xúc.

Khi bên Hạ Lưu lên tiếng, thể hiện sự bức xúc, người làm lãnh đạo phía Thượng Lưu cũng cần phản biện. Đó là nội dung của chương thứ 6 "Đừng hỏi tại sao".

Người bên Hạ Lưu tiếp tục lên tiếng trong chương thứ 7. Nhịp điệu vở nhạc kịch bắt đầu kịch tính và bất ngờ hơn khi giới Hạ Lưu đầy mạnh mẽ muốn "Phá đập" để mang nước về. Từ âm điệu, ca từ đều mạnh mẽ, đầy quyết tâm “Cùng nhau đi phá đập/Để ta đưa nước về/Cùng một dòng sông, nơi nhiều nước, nơi lại quá ít nước/Giờ ta khơi thông, xóa đi mọi bất công/Các ông xây đập, chúng ta cứ đập”. Nhóm nhạc nữ cùng đoàn vũ công đã thể hiện xuất sắc thần thái, thanh âm của bài hát, khiến cảm xúc người xem vô cùng chân thật.

Người ta thường nói: “Xây thì khó mà phá thì dễ”. Nhưng cuộc sống trên Dòng sông FPT thì ngược lại hoàn toàn. Con đập Chuyển 10 được xây trên dòng sông FPT không phải bằng đá, không phải bằng bê tông và cũng không phải bằng thép. Nó được xây bằng ý chí lãnh đạo. 

Ý chí của người Thượng Lưu có thể thay đổi khi họ muốn nhưng không thể lay chuyển khi họ không muốn. Người FPT năng động và sáng tạo. Người Hạ Lưu quyết không lùi bước. Nhưng khi quyết tâm vượt qua đập, người Hạ Lưu mới thấu “Chung một nỗi lòng” với người Thượng Lưu. “Thì ra Thượng Lưu là như thế/Không được sung sướng, như tin đồn/Người ở Thượng Lưu, đi khắp chốn/Tìm dòng nước mới, mát tâm hồn”.

Trải qua 8 chương, chương thứ 9 đưa đến một cao trào khi người Hạ Lưu thấu hiểu được nỗi lòng của Thượng Lưu. Dù con đập vẫn còn lừng lững trên Dòng sông FPT nhưng người dân 2 đầu Thượng lưu và Hạ lưu vẫn đang cùng sống chung trên một dòng sông. Người Hạ Lưu có thể thiếu công cụ lao động, nhưng người Thượng lưu không thể thiếu công cụ quản trị. 

Người FPT đã được nếm trải từ Check point đến IPMS, từ BSC đến OKR. Tất cả đều là những công cụ quản trị mà người Hạ Lưu được thừa hưởng từ phía Thượng Lưu. Cũng như vậy, con đập Chuyển 10 được xây dựng với mục đích chống dịch Covid, nay theo quán tính đã trở thành công cụ điều tiết nước trên Dòng sông FPT. Mùa lũ tích nước mùa hạn xả nước, đảm bảo cho cuộc sống người FPT đầy đủ vật chất và phong phú về tinh thần.

FPT Dòng sông lời thề là ca khúc cuối cùng khép lại chương trình Gala sinh nhật FPT 32 tuổi. Lần đầu tiên tổ chức sinh nhật online, FPT đã kết nối với các điểm cầu từ trong nước tới thế giới. Người FPT từ mọi nơi đều có thể theo dõi chương trình. 

Xúc động trong tối sinh nhật, Chủ tịch Trương Gia Bình bồi hồi: "Chúng ta đã phá vỡ nguyên tắc truyền thống". Không cần offline nhưng FPT vẫn có 1 chương trình STCo đậm chất nhà F. "FPT đã vươn lên đỉnh cao của STCo tinh tế", người đứng đầu FPT nhấn mạnh. Trước đó, người FPT và gia đình có thể xem phần tài năng của lãnh đạo và đồng nghiệp nhà F trên ba nền tảng: Workplace - group FPT Chungta News hoặc MyFPT; Truyền hình FPT - Kênh 913 và FPT Play kênh 913.

Nguồn: Chungta












Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn