Nghề Nhân sự có gì vui?

Có ai đó nói rằng nghề nhân sự rất "bạc", nếu làm tốt thì mọi người sẽ nói "chính sách công ty tốt", "môi trường làm việc tốt", "các sếp thật tuyệt vời". Ngược lại, nếu làm chưa tốt thì lại bị “ném đá” là máy móc, quan liêu, không có năng lực, thụ động… Làm nhân sự “bạc” lắm, nhưng sao ở FTEL vẫn đang có hàng trăm con người gắn gó và quyết tâm theo đuổi nghề?!


Human Resource có nghĩa là nguồn nhân lực, hiểu một cách đơn giản hơn là Nhân sự. Nhân là người, sự là sự vụ – là công việc giải quyết các sự vụ liên quan đến con người. Từ việc tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của tổ chức, đến việc sắp xếp họ vào vị trí phù hợp, giải quyết các vấn đề liên quan như các chính sách, phúc lợi, tiền lương, kỷ luật, thực hiện các chính sách phát triển nhân viên và cả các thủ tục để giải quyết cho họ khi thôi việc nữa… Đặc biệt, khi có xung đột về lợi ích thì vai trò của nhà quản trị nhân sự trong việc dung hòa mối quan hệ giữa người lao động và tổ chức là cực kỳ quan trọng.


Có ai đó nói rằng nghề nhân sự rất “bạc”, nếu làm tốt, tuyển dụng đúng người, đúng việc, tạo ra nhiều chính sách hay, phù hợp, cán bộ nhân viên và mọi người sẽ nói “chính sách công ty tốt”, “môi trường làm việc tốt”, “các Sếp thật tuyệt vời”…, tóm lại là ít có ai khen công của Nhân sự. Ngược lại, nếu làm chưa tốt, quy trình hơi rườm rà giấy mực, có những chính sách, quy định khắt khe… (đôi khi là theo ý Sếp), thì lại bị “ném đá” là Nhân sự máy móc, quan liêu, không có năng lực, thụ động… Làm nhân sự “bạc” lắm, nhưng sao ở FOX vẫn đang có hàng trăm con người gắn gó và quyết tâm theo đuổi nghề này nhỉ?!


Mỗi năm, FTEL tuyển dụng mới vài ngàn người. Với hiện trạng tại Việt Nam, lao động vừa thừa lại vừa thiếu, nguồn cung ‪lao động khá dồi dào nhưng lao động có chất lượng, phù hợp với tổ chức thì vẫn là bài toán nan giải. Ở đây, các bạn làm tuyển dụng chịu áp lực từ bốn phía: từ bộ phận có nhu cầu tuyển dụng, từ cấp trên, từ ứng viên và từ gia đình. Bộ phận gửi yêu cầu tuyển dụng hôm trước, hôm sau đã hỏi lịch phỏng vấn vì cần được bổ sung người rất gấp; mà bộ phận nào cũng trong tình trạng rất gấp thì sẽ thành ra “khẩn cấp”. Nào là phải tạo nguồn, phải thêm kênh tuyển dụng, phải tìm nhiều ứng viên, nào là báo cáo số liệu,… Tìm kiếm hồ sơ ứng viên, sàng lọc được hồ sơ phù hợp là một khó khăn không nhỏ đối với người làm tuyển dụng, chưa kể có rất nhiều ứng viên không xem rõ yêu cầu tuyển dụng, yêu cầu về hồ sơ, cứ vô tư gửi hồ sơ theo thói quen mà đôi khi khiến cho người làm tuyển dụng phải “nổi đóa” lên vì mất thời gian. Đang lúc háo hức chờ phản hồi của ứng viên và chuẩn bị đóng job thì nhận được email từ chối nhận việc, có khi tự kỷ mấy ngày liền. Đến mùa cao điểm tuyển dụng, làm thêm giờ là chuyện thường xuyên. Chồng/vợ/người yêu/ba mẹ/bạn bè cứ í ới gọi điện thoại mà việc chưa xong thì đừng mong ra khỏi ghế.


Làm tuyển dụng căng thẳng, áp lực là vậy nhưng chuyện vui thì nhiều vô kể. Nói một cách "vĩ mô" thì làm tuyển dụng có nhiều cơ hội tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu, mong đợi, mục tiêu của khách hàng bao gồm ứng viên và trưởng bộ phận; từ đó có thể kết nối họ lại với nhau để giúp hai bên thực hiện những định hướng, mục tiêu chung. Hạnh phúc nhất của người làm tuyển dụng là tuyển xong một vị trí, thời gian sau gặp lại ứng viên giờ đã là đồng nghiệp, cảm nhận được họ yêu thích và phù hợp với công việc, gắn bó với công ty; rồi được trưởng bộ phận khen “nhờ có em hỗ trợ mà anh đã tuyển được đúng người, đúng việc”. Sau mỗi vị trí tuyển được là một quá trình trải nghiệm và học hỏi giúp cán bộ tuyển dụng không những hiểu rất rõ về các vị trí công việc, sản phẩm, dịch vụ của công ty mà còn nắm bắt được thông tin thị trường về lĩnh vực đó. Cán bộ tuyển dụng có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện rất nhiều người giỏi ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều độ tuổi, tầng lớp khác nhau, qua đó có thể được chia sẻ, học hỏi từ những câu chuyện thành công, thất bại của họ và cũng giúp bản thân hiểu hơn về các lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội. Công sức bỏ ra không ít nhưng lợi ích thu về không hề nhỏ. Các bạn làm tuyển dụng mà chịu khó thu thập, xử lý thông tin, nghiên cứu thêm về các đối thủ, về thị trường lao động thì hoàn toàn có thể vẽ được bức tranh về cung – cầu nhân sự, từ đó có thể tư vấn cho các Sếp được rất nhiều vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực.



Khảo sát nhu cầu đào tạo, lập kế hoạch, triển khai đào tạo, đánh giá sau đào tạo là việc không dễ dàng bởi nó đòi hỏi người làm phải có kiến thức bao quát, hiểu và nắm rõ chiến lược ngắn hạn, dài hạn của công ty, hiểu rõ về sản phẩm dịch vụ, về đặc thù của từng vị trí công việc. Công ty ra sản phẩm mới, quy trình, quy định mới… cán bộ đào tạo là người phải nghiên cứu và học trước tiên, đặc biệt đối với các bạn làm giảng viên thì còn phải nghiên cứu sâu và tìm cách trải nhiệm một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để có thể đào tạo lại cho tất cả cán bộ nhân viên có liên quan. Đương nhiên làm đào tạo thì yêu cầu về kỹ năng thuyết trình phải xếp loại khá trở lên. Cán bộ đào tạo luôn luôn đến lớp trước tiên và ra về sau cùng, làm việc vào các ngày cuối tuần là chuyện bình thường. Công tác chuẩn bị trước, trong và sau khóa học đòi hỏi phải cực kỳ tỉ mỉ, chu đáo đến độ hoàn hảo. Thu thập, xử lý thông tin, trao đổi, phối hợp cùng với giảng viên, sắp xếp bàn ghế, bút viết, giấy tờ, tài liệu, âm thanh, ánh sáng, nước uống, thức ăn… tất cả đều phải được thực hiện đúng tiến độ, chuẩn xác và phải có phương án back-up khi sự cố xảy ra. 


Làm dâu trăm họ cũng có cái hay của nó, làm đào tạo sẽ giúp cho chúng ta có cơ hội học tập và rèn luyện mọi lúc mọi nơi. Các học viên học, mình cũng tranh thủ ngồi học cùng, họ lĩnh hội được 100% thì mình ít nhất của được khoảng 50%, mà nếu tập trung cao độ có khi lĩnh hội được hết. Học viên chỉ được học vài lần một năm, còn mình một tuần có khi được học vài lượt. Mỗi giảng viên có kiến thức, kỹ năng, phong cách rất khác nhau, chỉ cần chúng ta học mỗi người một ít cũng đủ để bản thân ngày càng tự tin hơn trong việc thuyết trình, xử lý tình huống. Bạn nào mà chú trọng việc học tập, rèn luyện, chỉ cần làm đào tạo một thời gian ngắn sẽ phát triển các kiến thức, kỹ năng của bản thân và tiến bộ vượt bậc. Quản trị lớp học tốt, tự tin thuyết trình trước đám đông, thành công ở vị trí cán bộ đào tạo tôi tin bạn là người đa năng và sẽ còn tiến rất xa trong sự nghiệp theo đuổi nghề nhân sự.


Các bạn làm C&B thường xuyên bị "stress" bởi các hồ sơ giấy tờ, đánh giá cán bộ, bổ/miễn nhiệm, hợp đồng lao động, xử lý kỷ luật, thủ tục thôi việc, tính toán năng suất lao động, làm tất tần tật các loại báo cáo định kỳ/đột xuất… Đến kỳ làm lương, thưởng, báo cáo quý, 1H, 2H thì các bạn bị số liệu "vùi dập" không thương tiếc, hầu như ngày nào cũng về rất muộn để cập nhật, đối chiếu, so sánh rồi tính toán… Công việc này đòi hỏi tính chuẩn xác cực kỳ cao, có thể nói là không được phép sai sót. Mỗi bạn phụ trách vài trăm đến cả ngàn cán bộ nhân viên nên nhiều lúc bị tự kỷ là chuyện bình thường. Các văn bản luật, văn bản dưới luật có liên quan đến quan hệ lao động được chỉnh sửa, bổ sung hoặc ban hành mới thì ngay lập tức người làm C&B phải nghiên cứu tài liệu, tham khảo ý kiến từ nhiều kênh rồi đề xuất chỉnh sửa, bổ sung hoặc làm mới các quy định của công ty cho phù hợp với quy định pháp luật. Làm C&B đương nhiên không thể giỏi chuyên môn như luật sư, hay những người làm luật được nên nhiều lúc nhìn các văn bản luật, nghị định, thông tư… mà tự kỷ cả tuần liền.


Nhưng mà làm C&B cũng oách lắm nhé, tất cả cán bộ nhân viên của khu vực, vùng miền mà bạn phụ trách hầu như đều biết bạn. Nhân viên của HO, SGx, HNx có thể chưa từng được gặp chị Toan, anh Bình nhưng chị TramNTY, anh TienPS, chị HanNLN thì các bạn biết rõ cả họ tên và đương nhiên là nhớ luôn mặt. Biến động tăng/giảm nhân sự hoặc có bất kỳ vấn đề gì từ bộ phận hầu như các bạn làm C&B đều nắm rõ. Ai ốm đau, bệnh tật, bầu bí đều liên hệ các bạn làm C&B để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời. Nhà có bao nhiêu người, tình trạng hôn nhân gia đình, tình trạng sức khỏe, thu nhập bao nhiêu các bạn làm C&B biết hết nhưng biết hết mà bảo mật tuyệt đối mới là đáng khen. Các bạn nắm rõ nội quy lao động, các quy định, quy trình của công ty là chuyện bình thường, luật lao động, luật bảo hiểm xã hội và các văn bản dưới luật hỏi đến đâu trả lời luôn đến đó, vậy mới siêu! Trong các mảng công việc của FHR thì C&B là mảng có tính gắn kết với cán bộ nhân viên nhiều nhất. Suốt quá trình từ ngày đầu tiên làm việc đến lúc thôi việc rời công ty, cán bộ nhân viên liên hệ làm việc với mảng C&B là nhiều nhất. Mềm mỏng, hoạt ngôn, thân thiện, cẩn thận, tỉ mỉ chắc chắn phải có nhưng đến lúc cần cứng rắn, quyết đoán trong việc tuân thủ quy định thì các bạn C&B cũng vô cùng khéo léo. Làm C&B mà có độ “hóng hớt” cao một chút, cộng thêm duyên ăn nói nữa thì nắm bắt tình hình nhân sự tại bộ phận cực nhanh, kịp thời báo cáo, tư vấn cho Sếp được khối việc. Tóm lại, vừa phải chuẩn xác, nguyên tắc, đúng quy định, vừa khéo léo giữ được mối quan hệ hài hòa, thân thiện với cán bộ nhân viên đó là tài của các bạn làm mảng C&B.


Viết nhiều như vậy chắc tôi đã ít nhiều giúp người đọc có thêm một số trải nghiệm, hiểu hơn về nghề nhân sự đầy thú vị này nhưng chưa hết, vẫn còn có điều thú vị hơn. Làm nhân sự ở FTEL HCM mà trước đây là FOX, chúng tôi ngầm hiểu một điều “chúng em luôn nỗ lực làm hết sức, tận tâm với công việc, thế giới đã có Mama Toan lo”. Chúng tôi làm việc gặp khó thì có Mama hướng dẫn, hỗ trợ; họp hành nhiều khi bị bắt nạt, bị Sếp “rầy la” thì có Mama đứng mũi chịu sào hết (đương nhiên là khi họp xong chúng tôi cũng bị Mama “quạt” cho một trận tơi bời, sợ tím tái mặt mũi); ăn chơi các kiểu thì lúc nào Mama chẳng tài trợ, có khi còn trả hết các chi phí; gia đình, người thân gặp khó khăn, gặp chuyện không vui, Mama tận tình thăm hỏi, viếng thăm và luôn sẵn sàng giúp đỡ. Nói đến đây chắc có ai đó đang nghĩ “Nâng bi đây!”. Tôi hoàn toàn không "nâng bi" đâu nhé, bởi tôi tin là rất nhiều người có cảm nhận giống như tôi! Chúng tôi là những người phụ trách riêng lẻ từng mảng công việc đã thấy có nhiều khó khăn, áp lực thì làm Sếp quản lý toàn đội HR có hàng trăm con người còn khó gấp ngàn lần. Chúng tôi may mắn được làm việc cùng với người Sếp rất đa năng, là tấm gương để chúng tôi học hỏi cả trong công việc lẫn trong cuộc sống. Ở FOX chắc Mama là người có nhiều biệt danh nhất, nào là “Phù thủy”, “Bao công”, “Má mì”, “Mama”, rồi “Phượt manager”. Các biệt danh này đều xuất phát từ các biệt tài trong công việc, các bạn muốn biết thêm có thể tìm đọc bài “Công việc và những biệt danh” do chính Mama viết. Trong công việc, Mama là người tận tâm, hết lòng yêu công ty, tinh thần trách nhiệm cao ngất, đôi khi bất chấp sức khỏe. Tôi đã từng chứng kiến Mama làm việc ngày đêm, để rồi ngay sau khi tạm hoàn thành công việc đã phải nhập viện gần một tuần liền. Mỗi lần đi công tác chung với Mama thì bọn trẻ như tôi phải xách dép chạy theo, tuyệt đối không dám mang giày cao đâu nhé vì lịch làm việc dày đặc, di chuyển liên tục. Rất nhiều lần tôi nghe các anh, chị đi cùng bảo “Mama khỏe kinh thật” (trộm mụ). Mama xem cấp dưới, đồng nghiệp là những người thân, người đồng đội thật sự của mình, sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ bất kể ngày nghỉ hay đêm khuya. Nói tóm lại, đối với chúng tôi, Mama là người rất gần gũi và là người thầy đáng ngưỡng mộ.


HR đúng là một nghề cực khó, trên đe dưới búa, làm dâu trăm họ… nhưng song song đó là muôn vàn lý do vô cùng thuyết phục để chúng ta tiếp tục yêu nghề và phấn đấu vì sự nghiệp mà mình theo đuổi. Nếu có ai đó hỏi hàng trăm cán bộ nhân sự tại FTEL rằng họ có yêu nghề không, tôi tin rằng họ sẽ trả lời là có bởi lẽ chúng ta đang làm được và làm tốt cái nghề cực khó, vậy thì tại sao lại không tiếp tục đồng hành, gắn bó và phấn đấu vì niềm đam mê của mình! Tất cả các bạn làm công tác nhân sự ở FTEL đều đã được Mama truyền lại ngọn lửa đam mê công việc, yêu nghề, yêu công ty. Việc giữ lửa và phát huy như thế nào thì tùy thuộc vào từng người. Mong rằng FHR sẽ có được đội ngũ kế thừa xứng đáng là đệ tử của Mama Toan!


Võ Thị Kim Hồng


Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn