‘Cáo’ miền Trung ngâm mình trong dòng nước lũ 'cứu' hạ tầng

FPT Telecom Vùng 4 đang ghi nhận tình trạng lũ lớn, ngập úng ở vùng trũng,... khiến hạ tầng các chi nhánh từ Quảng Bình đến Quảng Nam bị ảnh hưởng.


Từ 6h sáng nay (8/10), FPT Telecom Quảng Trị đã bắt đầu triển khai công tác phòng, chống lũ, ngập úng. Chi nhánh cho rà soát tất cả các đài/trạm ở khu vực trọng yếu, lên phương án dự phòng cho những vị trí thấp, trũng.


Anh Nguyễn Phúc Bảo Huy - Trưởng phòng Kỹ thuật - cho biết tất cả khối đang tập trung cao độ, theo dõi sát tình hình lũ. Có khoảng 14 CBNV trong phòng tham gia trực chiến từ sáng sớm. Hiện nay, có 1 vị trí đài/trạm đặt tại khu vực Thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) có nguy cơ lũ sẽ dâng lên nữa, chi nhánh đã chủ động nâng cao đài/trạm hơn mực nước, tiếp tục theo dõi để kịp thời xử lí. Sau thời gian “ngâm mình” trong dòng lũ, đến 15h30 cùng ngày, tất cả hạ tầng cơ bản đã được kiểm soát chặt, đảm bảo vận hành ổn định.


CBNV khối Kỹ thuật - Hạ tầng FPT Telecom Huế dùng thuyền chở vật tư đi khắc phục sự cố trong lũ.


Vừa chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 5 quét qua chưa lâu, FPT Telecom Huế tiếp tục phải gồng mình chống lũ. Đánh giá ban đầu, một số tuyến cáp bị đứt do gió lớn, cây gãy,… đã được chi nhánh xử lí. Chỉ còn 1 đài/trạm chưa có điện lưới, số còn lại đều đã vận hành tốt, không có dấu hiệu bị ngập úng, hư hại. Chi nhánh cũng đang theo dõi sát sao mực nước, lưu lượng mưa, thông báo xã lũ,… để chủ động xử lí. Đại diện FPT Telecom Huế cho hay, anh em khối Kỹ thuật được chia ra từng nhóm để rà soát, xử lí sự cố nhanh chóng. Một nhóm nhận nhiệm vụ lên thuyền, vận chuyển vật tư, cáp,… vượt lũ đến tiếp điểm để khắc phục thiệt hại. Hiện tại, gió đang lớn nên tuyến cáp chỉ neo ở vị trí vừa phải để đảm bảo kết nối. Sau khi ngớt gió, đơn vị sẽ đưa tuyến cáp lên vị trí cao hơn.


Tại chi nhánh Đà Nẵng, một số khu vực tại huyện Hoà Vang đã ghi nhận tình trạng ngập úng diện rộng. Tuy nhiên, qua rà soát, đơn vị chưa ghi nhận thiệt hại đáng kể. Anh Châu Ngọc Vinh – Phó phòng Kỹ thuật, cho hay một số tuyến cáp bị đứt đã được anh em xử lí nhanh gọn. Toàn nhân sự trong phòng cũng đã sẵn sàng phương án trực chiến, điều quan trọng nhất vẫn là việc theo dõi tình hình lũ để có biện pháp phù hợp.


Mặc dù lũ có chiều hướng dâng cao, mưa vẫn chưa ngớt, gây ngập ở một số vị trí thượng nguồn, song hạ tầng FPT Telecom Quảng Bình vẫn đang vận hành ổn định, chưa ghi nhận ảnh hưởng. Có được điều này cũng nhờ vào sự chủ động từ trước. Do địa phương thường xuyên ghi nhận lũ lụt, nên các đài/trạm đều được nghiên cứu đặt ở những vị trí cao.


Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cảnh báo, từ ngày 11.10, ở các tỉnh Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt mưa lớn tiếp theo và kéo dài. Theo quan trắc ghi nhận, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên đã có mưa to rất to, lượng mưa phổ biến tính từ 7h ngày 7.10 đến 7h ngày 8.10 là 100 - 300mm; riêng Quảng Trị - Thừa Thiên Huế có mưa rất to, có nơi đặc biệt to với lượng mưa 300 - 500mm, một số nơi có lượng mưa lớn hơn như: Hướng Linh (Quảng Bình) 695mm, Thủy điện Đakrông (Quảng Trị) 679mm.


Dự báo, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên từ nay đến ngày 10.10, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 300 - 400mm, có nơi trên 450mm. Các tỉnh Nam Nghệ An, Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 50 - 100mm, có nơi trên 100mm.


Hiện nay, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam đang lên, các sông ở Quảng Ngãi đang xuống. Dự báo đến chiều tối nay, sông Kiến Giang (Quảng Bình) lên trên báo động 3 là 0,8m, sông Thạch Hãn (Quảng Trị) lên trên báo động 3 1,0m. Hạ lưu sông ở khác ở Quảng Bình, Huế, Quảng Nam dao động ở mức báo động 1 - báo động 2.


Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở, lũ quét, đặc biệt là ở các huyện Hướng Hóa, Đak Rông, Hải Lăng, Triệu Phong (Quảng Trị), Đại Lộc, Duy Xuyên (Quảng Nam), Phong Điền (Huế); Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh, Quảng Trạch (Quảng Bình).


Nguồn: Chungta

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn