Khi đồng nghiệp của bạn không có trách nhiệm

Nhận được một dự án mới và sự tin tưởng của sếp chắc chắn bạn sẽ rất vui và cố gắng hết sức để hoàn thành dự án, nhưng nếu cộng sự của bạn vô tình lại trở thành gánh nặng và sự mệt mỏi của bạn, bạn sẽ làm gì nếu rơi vào trường hợp này?


Có rất nhiều câu chuyện nơi công sở khiến không ít người bực dọc và cảm thấy nặng nề mỗi khi bước chân đến nơi làm việc, nhưng làm sao để giải tỏa được áp lực ấy khi thật sự bạn rất yêu công việc và không hề muốn rời bỏ nơi làm việc này.


Tôi có một cô bạn thân làm việc trong một công ty tổ chức sự kiện và thường xuyên làm việc với những đối tác lớn, nhưng cộng sự của cô bạn là cháu của sếp thì lại là người vô cùng thiếu trách nhiệm. Thậm chí, bạn tôi phải đặt biệt danh cho cô ấy là “lầy” bởi sự chậm chạp và thiếu ý thức như việc thường xuyên đi muộn, giao bất cứ công việc gì thì người làm cùng phải thường xuyên gọi điện nhắc nhở thời hạn nộp. Khổ nhất là tuy vô trách nhiệm nhưng cô ấy lại rất giỏi lấy lòng những người xung quanh như khi thì mua tặng người này món này, khi lại khen nịnh người kia vài câu khiến tất cả mọi người đều dễ dàng bỏ qua cho thói vô kỷ luật của cô nàng. Kết quả chỉ có những người làm trong cùng team là khổ sở nhăn nhó mỗi khi được giao dự án cùng với cô đồng nghiệp này.


Bạn của tôi từng kể cô ấy đã bị stress khá nặng. Có một lần, khi đối tác hẹn cả hai có mặt để thương thảo hợp đồng, nhưng vì ngủ quên nên người đồng nghiệp vô trách nhiệm đã tới trễ và không mang theo tài liệu để thuyết trình. Kết quả hợp đồng bị hủy vì không đáp ứng được yêu cầu của đối tác. Khi quay về báo cáo, cô bạn tôi bị nhận hoàn toàn trách nhiệm cho sự việc. Quá bực mình, cô ấy quyết định viết đơn xin nghỉ việc nhưng thật sự cảm thấy rất tiếc khi phải rời bỏ công việc và môi trường mà mình yêu thích cũng như đã gắn bó lâu. Nhưng nếu tiếp tục làm việc tiếp thì cô ấy không biết sẽ còn phải gánh bao nhiêu phiền phức khi có một đồng nghiệp vô ý thức như thế.


Bài toán đặt ra là nếu trường hợp trong nhóm có những thành viên không có trách nhiệm với công việc như thế thì bạn sẽ phải đối phó như thế nào? Thật ra nếu để ý một chút bạn sẽ thấy bất cứ ở đâu cũng dễ dàng gặp trường hợp này. Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, khi được phân công làm việc nhóm lúc nào cũng sẽ có những người thiếu trách nhiệm và ỷ lại cho những thành viên khác. Vì vậy, ngay từ đầu khi nhận trách nhiệm công việc cùng với đồng nghiệp, bạn nên soạn thảo rõ ràng nội dung những công việc cụ thể của từng thành viên trong nhóm. Sau đó, họp phân công cụ thể, có sự chứng kiến của sếp và chữ ký xác nhận của các thành viên nếu ai không hoàn thành. Chỉ cần một vài lần như thế, có thể bạn sẽ giúp đồng nghiệp thiếu trách nhiệm buộc phải nhìn nhận lại thái độ làm việc của mình, mà bản thân cũng sẽ không còn cảm thấy khó chịu, áp lực khi phải làm việc chung với họ.


Phan Vi

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn