Muốn sướng, hãy làm đúng

Nếu làm việc quá cực mà kết quả nhận lại không xứng đáng, thì khả năng cao là bạn đang làm sai cách.


Thời điểm mới bắt đầu làm việc tại FTEL, mình từng cho rằng chăm chỉ đồng nghĩa với hiệu quả. Vậy nên, không ngày nào mình dám ngủ trước 1 giờ sáng vì luôn có cảm giác “mình sẽ bỏ lỡ một việc gì quan trọng". Đi đâu thì cũng kè kè cái laptop bên người dù là lên núi hay xuống biển. 

Sau đó, mình thử điều chỉnh thời gian làm việc và nghỉ ngơi đúng giờ, dành thời gian cafe với bạn bè, tập thể dục, chăm sóc cá nhân,... thật bất ngờ: kết quả làm việc và sức khỏe của mình tốt hơn trước rất nhiều.

Mình nhận ra một điều: làm việc chăm chỉ nhưng sai cách sẽ không hiệu quả.

Vậy tại sao hồi xưa mình mất nhiều thời gian, công sức tới vậy? 

1. Thiếu sự tập trung

Trước đây khi bắt tay vào làm việc, mình thường không tự đặt cho bản thân những câu hỏi như:

- Mình làm cái này để làm gì?
- Mình mong đợi kết quả như thế nào?
- Mình đang làm việc này bằng cách nào?
- Trước đây lúc mình làm nó theo cách này thì kết quả có tốt không?
- Nếu không tốt thì mình học được gì từ cái không tốt đó? Làm sao để làm tốt hơn? Kết quả, mình tốn quá nhiều thời gian để làm như một cỗ máy nhưng lại không hiệu quả. Mình rút ra được kinh nghiệm cho bản thân: khi làm việc không có mục đích rõ ràng, cả hiệu quả và tốc độ đều bị ảnh hưởng.

Hãy luôn đặt cho bản thân những câu hỏi để định hướng cách làm của chúng ta

Tại FPT Telecom, mình may mắn khi làm việc với những người đồng đội và sếp luôn có sự định hướng công việc một cách rõ ràng. Việc tuân thủ những quy trình và làm rõ mục đích công việc giúp mình không còn vất vả trong từng đầu việc phụ trách.

2. Bị vướng vào những cái bẫy tâm lý

Gọi là bẫy tâm lý vì không dễ nhận ra ta đang vướng phải nó. Đặc biệt là khi ta luôn nghĩ: Cực khổ = Chăm chỉ = Thái độ làm việc đúng đắn. Giống như đi tập gym, nhiều khi tập về thấy đau quá lại đâm ra thích vì tưởng rằng vậy là đốt được nhiều mỡ. Nhưng hoá ra là vì sai tư thế, trẹo cơ.

Người ta sẽ dễ nhận ra mình đang nằm trong cái bẫy đó khi xảy ra một biến cố lớn nào đó (như bị người yêu bỏ vì không dành thời gian quan tâm, bỗng dưng ốm nặng, một đồng nghiệp vào cùng thời điểm và trình độ ban đầu tương đương nhưng lại thăng chức trước bạn mà vẫn luôn đi về đúng 5:30 hàng ngày).

Một người cố vấn tốt sẽ cho bạn hướng đi tốt hơn

Nếu may mắn, bạn sẽ gặp được một "người thầy", một người cố vấn tốt, giúp chỉ ra những cái sai và hướng dẫn bạn điều chỉnh lại. Bạn cũng có thể tự "giải cứu" chính mình bằng cách lắng nghe bản thân. Đừng cho qua nếu bạn cảm thấy căng thẳng, đau khổ, ức chế, hãy lắng nghe xem mình đang gặp vấn đề gì. Nếu đã tìm ra vấn đề, đừng ngại thay đổi. Hãy tin rằng chỉ cần vượt qua khó khăn này, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn và khỏe mạnh hơn.

3. Một số lý do khiến chúng ta dễ “làm nhiều được ít”

Không có đủ thông tin 

Lười một bước mà ôm hận nghìn năm, đọc đề bài không hỏi lại, làm luôn không nghiên cứu, thắc mắc hỏi ra sợ sếp biết mình ngơ… là một những lí do khiến bạn làm việc không hiệu quả.

Cần khai thác thông tin thật đầy đủ trước khi bắt tay vào làm bất cứ việc gì

Hãy làm rõ mục đích và cập nhật đầy đủ thông tin nhất có thể về việc bạn làm. Ngoài những nguồn thông tin tự tìm hiểu, học, đọc, tìm dữ liệu, hãy đặt câu hỏi, khai thác, tổng hợp thông tin từ chính người ra đề bài. Việc này giúp bạn vừa tiết kiệm thời gian mà công việc lại hiệu quả hơn.

Không được hướng dẫn 

Vấn đề này phần lớn thuộc về người giao việc. Cũng như việc trồng cây, không phải cứ gieo cái hạt xuống đất xong 9 tháng 10 ngày là tới hái trái. 

Khi giao việc mà không làm rõ mong muốn của mình với kết quả, không giải thích rõ ràng bức tranh toàn cảnh, không có guideline (đường hướng), không chỉ dẫn phương pháp… thì chắc chỉ có thiên thần mới thực hiện được đúng điều mình muốn mà thôi.

Giao việc thực ra là teamwork (làm việc nhóm) với nhau và sẽ cần rất nhiều đối thoại để cùng làm tốt mà không mất sức. Nếu leader (trưởng nhóm) của bạn trót quên thì hãy nhắc họ nhé!

Không rút kinh nghiệm 

Hồi đó, có bạn trong team gợi ý cho mình cách rất hay để rút kinh nghiệm trong công việc, đó là dùng nhật ký. Bạn có thể ghi lại những việc mình làm trong ngày, mất bao nhiêu thời gian, gặp vấn đề gì, cách giải quyết ra sao, có hiệu quả không… Nhờ đó mình đã suy nghĩ dài hơi hơn và tránh lặp lại những sai sót giống nhau.

Hãy rút kinh nghiệm ngay khi nhận thấy có vấn đề, và chia sẻ những kinh nghiệm này để những người khác không gặp lại.

Không quản lý thời gian tốt 

Đơn giản lắm, khi bạn không chủ động được thời gian của mình, thì bạn sẽ là nô lệ của nó. 

Hãy tập dùng lịch làm việc và có một quyển sổ tay để lên checklist (danh sách) công việc. Tiếp đó, tranh thủ cuối tuần đọc một quyển sách về quản trị thời gian, quản trị năng lượng… (sẽ có cuốn hay cuốn dở nhưng thật ra đều nói chung một nguyên lý). 

Việc gì có thể làm ngay thì chớ để ngày mai

Một điều quan trọng, đừng để mình là một trong những người có hội chứng "siêu nhân ngày mai": việc gì cũng để mai hoàn thành.

Biết đặt câu hỏi 

Nếu biết cách đặt đúng câu hỏi, bạn còn đỡ bực. Ngày trước, mình từng cảm thấy rất tức tối khi bước vào WC mà thấy giấy rác vứt linh tinh dưới sàn. Mình sẽ tự hỏi tại sao họ lại mất lịch sự và vô ý thức vậy. Nhưng sau này, mình chỉ cần bình tĩnh lại và hỏi 2 câu cho vấn đề:

- Thùng rác đặt ở vị trí đó đã hợp lý chưa?
- Thời gian nhân viên dọn dẹp định kỳ như thế đã hợp lý chưa?

Vừa giải thoát cảm xúc tiêu cực cho bản thân, vừa tìm ra tận gốc vấn đề cùng phương án giải quyết.

Trên đây là những cách mình đã đúc kết được từ kinh nghiệm thực tế để làm đúng, làm tốt mà không bớt vất vả. Hi vọng các bạn cảm thấy hữu ích và có thời gian vui vẻ khi đọc bài viết này.

Đèn Biển

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn