Người FPT thích STCo

Tôi may mắn được đi dự nhiều chương trình sự kiện, hoạt động văn hóa và phong trào của FPT tại các đơn vị, chi nhánh, và ở đâu đó trong tâm trí mỗi cán bộ lãnh đạo đều ý thức được sức mạnh văn hóa STCo. Nhưng đám đông còn lại có nhiều điều phải nói. 


Có một vấn đề không ai có thể chối cãi, đó là số lượng người thuộc những bài hát STCo khá hạn chế từ người lâu năm cho đến mới gia nhập. Thực tế họ rất mặn nồng và sẵn sàng hòa chung vào bầu không khí lễ hội mỗi khi tham gia các hoạt động phong trào. Nhưng khổ nỗi, khi bài hát STCo cất lên thì dường như có quá ít người thuộc. Điều này tác động không nhỏ đến tinh thần và sự thành công của chương trình.


Tôi không phải chuyên gia hay một nhà nghiên cứu nên không có số lượng cụ thể để minh chứng về điều này. Tuy nhiên, quá trình trải nghiệm đã chỉ ra rằng CBNV nếu có thuộc thì chỉ biết đến bài “Đoàn FPT” phỏng theo bài "Đoàn vệ quốc quân" của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Ở đây tôi đang nói đến số đông CBNV, và việc minh chứng điều đó không quá khó. Trong một lần dự sự kiện, một anh chàng mặc đồng phục áo cam khá chỉnh tề nhưng không thuộc lời bài hát “FPT Dòng sông lời thề” còn số khác lại tỏ vẻ ngượng nghịu. Một lần tâm sự riêng, anh đã chỉ ra ba nguyên nhân dẫn đến bản thân không thuộc bài hát dù gia nhập FPT cũng được thời gian khá dài: Áp lực kinh doanh, không đặt nặng văn hóa và thuộc để làm gì.


Anh cũng đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên nhân không đặt nặng văn hóa, bởi nếu văn hóa tốt mà kinh doanh không đạt thì cũng như không. Khổ nỗi, thời buổi kinh tế hiện nay, việc kinh doanh càng trở nên khó khăn nên thời gian đâu mà dành cho văn hóa. Một năm công ty tổ chức vài hoạt động thì anh em cũng cứ thế mà xông vào chơi, chơi xong ăn uống, nhậu nhẹt rồi về. Vì đơn giản, hoạt động văn hóa tốt cũng không được cộng điểm vào kinh doanh.


Có thể suy nghĩ anh chàng này hơi tiêu cực nhưng cũng có lý. FPT là tập đoàn có chất văn hóa khá riêng biệt và đặc sắc không pha lẫn vào đâu được. Điều này không phải tự phát hay chuyện trên trời rơi xuống mà được định hướng từ rất lâu. Ngày nay, văn hóa STCo được phổ cập đến từng CBNV và khi nhắc đến dường như người ngoài FPT cũng biết. Tuy nhiên, liệu chúng ta có hơi lơi là và dần mang tính chất lý thuyết? Hoàn toàn có thể, đặc biệt, văn hóa STCo ở các chi nhánh tỉnh lẻ.


Nó xuất phát từ những điểm sau: Hoạt động văn hóa không xuống trực tiếp được nhiều tỉnh; áp lực kinh doanh ở chi nhánh tỉnh khá lớn và tính phổ cập những bài hát STCo chưa cao. Lúc này nhiều người tự đặt câu hỏi, vậy vai trò của cán bộ Tổng hội đâu? Xin thưa, cán bộ Tổng hội không thể ôm hết bởi chẳng hạn như tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trừ Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT Đà Nẵng ra thì chỉ có FPT Software Đà Nẵng có cán bộ Tổng hội riêng, còn những đơn vị khác dường như đều kiêm nhiệm.


Tôi cũng thường xuyên thấy tại một số chi nhánh có dán bản tin trên tường gồm một số bài hát STCo để CBNV học nhưng có lẽ nó không thực hiệu quả. FPT đang phát triển nhanh về lượng CBNV nên cần có những cách làm thiết thực hơn, hiệu quả hơn bởi trên thực tế, mọi người đều rất thích văn hóa STCo. Ngay cả người thân và bạn bè tôi, khi nghe hát những bài STCo của FPT cũng bày tỏ sự thích thú và khen ngợi người đưa ra ý tưởng.


Văn hóa STCo chính là vũ khí vô hình để tạo động lực cho toàn thể CBNV đồng lòng cho sự tăng trưởng của FPT. Tập đoàn đang thực hiện công cuộc toàn cầu hóa nhưng riêng văn hóa STCo cần nghiêm túc soi xét lại. Có thể điều này hơi tốn thời gian và công sức.


Riêng người FPT ở tỉnh cũng cần có thái độ tiếp thu chân thành và cầu thị. Đôi lúc cũng cần phân định giữa kinh doanh và hoạt động phong trào để có sự hợp nhất.


Nguyễn Tấn Việt

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn