Hội làng FPT xưa và nay

Hội làng giờ không còn ăn uống linh đình trong hai ngày đêm như trước nữa mà được tổ chức ấm cúng, gói gọn trong một buổi.


Nhiều "lão thành" ở FPT vẫn nhớ mãi những dấu ấn của Hội làng FPT khi công ty còn "ngự" ở 89 Láng Hạ, Hà Nội. Hội làng thời ấy thường được tổ chức trong hai ngày một đêm. Trong ngày đầu, “các cụ” thực hiện nghi thức cúng lễ, dựng cây nêu, treo cờ hội. Trai tráng thì tham gia mổ lợn, giã giò, gói bánh chưng, đánh tiết canh…

Thường thì bác Đào Vinh (cựu Trưởng Ban Đảm bảo Chất lượng FPT đã nghỉ hưu) vốn là người già nhất làng đảm nhận nhiệm vụ “tổng quản”. Lúc nào cũng thấy bác chạy đôn chạy đáo, hết giục đám trai này mổ lợn lại quay qua đám trai kia quan sát đánh tiết canh, rồi lại chạy ngang đốc thúc đám người khác đang lần mò gói bánh chưng. Sau khi làm xong các món ăn, dân làng FPT có mặt sẽ thụ hưởng ngay những món do chính tay mình làm ra.

Hết ngày thứ nhất, đa phần “các cụ” đều phải về nhà. Riêng đám trai làng “máu” nhất sẽ thức thâu đêm trông nồi bánh chưng, vừa nấu bánh, vừa uống rượu, hát hò và làm thơ. Tương truyền rằng, một số bài STCo đã ra đời trong men say ngất ngây như thế và đứng đầu cái lũ trai làng này thường là những người có khiếu ăn nói như Hưng “Đỉnh” (Nguyễn Duy Hưng, FPT Trading) hay Sơn “Ti ti” (Thái Thanh Sơn, nay đã nghỉ FPT).


Khi bánh chưng được vớt ra cũng là lúc “các cụ” với khăn áo, mũ miện kiểu cung đình ngày xưa dẫn đầu đoàn dâng lễ cúng trời đất. Anh Sáu (Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình) đứng đầu “ngũ hành”, thay mặt cả làng khấn vái. Nội dung bài khấn hầu như ít tai biết, nghe đồn là anh cầu xin một điều gì đó lớn lao lắm.

Sau khi hết tuần hương, “các cụ” liền tuyên bố đánh chén. Cỗ làng FPT cơ bản được chuẩn bị giống nhau, cũng bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành… Nếu có khác thì chỉ là phần tửu.

Rượu uống trong Hội làng phải là loại nút lá chuối. Đó là loại rượu quê nổi tiếng, 99 ngày trước đó được trai tân FPT về tận vùng sơn cước trên núi cao mua về rồi đóng chai, nút lá chuối và đem ủ đúng ba ngày ba đêm. Vì thế rượu mới trở nên đậm đà.

Hào hứng nhất là trò “chia thịt trâu” (chia thưởng kinh doanh). Anh Sáu lúc đó thay mặt “các cụ”, gọi từng bộ phận lên để lĩnh thưởng. Khi anh gọi tên bộ phận nào, cả tướng lẫn quân đều hô “dô dô” nghe rất khí thế. Có lẽ vì có tiết mục “chia thịt trâu” này mà cả làng đều đến rất đông đủ. Chương trình Hội làng cứ thế kéo dài dường như không dứt. Và mọi người cảm thấy gần nhau, hiểu nhau hơn.

Từ khi chuyển về tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội, Hội làng vẫn giữ được những nét tinh túy ngày xưa, đồng thời cũng được phát triển, bổ sung nhiều thứ cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Thay vì ăn uống linh đình, gói bánh chưng, mổ lợn ê hề suốt hai ngày đêm ròng rã như trước, Hội làng giờ được tinh giản, chỉ diễn ra trong một buổi sáng hoặc buổi chiều.

Trò mổ lợn, gói bánh chưng cũng đã có phương án thay thế. Lợn thì có đấy nhưng năm thịt, năm không. Năm nào mổ lợn thì thể nào người FPT tham dự Hội làng cũng nghe thấy tiếng “eng éc” rồi tiếng chọc tiết, cạo lông quen thuộc ở ngay gần bốt bảo vệ phía sân sau tòa nhà.


Năm nào không “thịt” tại chỗ thì thay vào đó người ta lại thấy một chú lợn lửng xinh xinh, được Ban tổ chức (BTC) thuê về đặt cạnh đống rơm, mang ý nghĩa tượng trưng. Song song, BTC thuê đội ngũ nhà hàng tùng xẻo một con lợn khác và trực tiếp nấu cỗ cho dân làng FPT ăn. Chả thế mà các món lòng lợn, cháo lòng vẫn chẳng bao giờ thiếu.

Gói bánh chưng cũng vậy. Thay vì phải tự làm từ đầu đến cuối, BTC thuê người chuẩn bị sẵn nguyên liệu, rồi tổ chức thi gói bánh. Ai gói đẹp, nhanh đều có phần thưởng và còn được mang bánh về nhà luộc, phá cỗ cùng gia đình. Cũng có năm vì bận rộn quá, BTC liền thay thế gói bánh bằng “tục” thi bóc và ăn bánh chưng. Bóc và ăn thì có gì mà khó, chẳng thế mà trò này được khá nhiều người “chuộng” bởi lợi cả đôi đường, vừa được ăn cho ấm bụng, vừa được “tiền tươi thóc thật” cầm tay.

Nguồn: Chungta


Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn