Hội làng trong ký ức người FPT

Dự Hội làng vác quà khủng gần chục triệu đồng, thưởng thức món ăn đặc trưng ngày Tết cùng đồng nghiệp trong công ty... là ấn tượng không thể quên của người FPT với ngày hội cuối năm của tập đoàn.


Nguyễn Thị Chúc, ĐH FPT nhớ nhất năm đầu tiên mới tấp tểnh vào FPT chưa đầy một tháng. Anh chị em háo hức rủ nhau ra sân vận động Quần Ngựa (Văn Cao, Hà Nội) để dự Hội làng rồi mới về quê ăn tết.


Chúc chia sẻ: “Từ trước tới nay, mình chưa làm việc ở công ty nào có tổ chức ăn Tết theo kiểu truyền thống với bánh chưng, dưa hành, giò lụa... như FPT. Ai nấy ngồi quân quần, xếp bằng quanh chiếu, chén chú chén anh giữa cái sân rộng thênh, rét buốt và lộng gió mà vẫn cảm thấy ấm áp, thân tình”. Dịp gần Tết, ngoài cảm giác náo nức chuẩn bị về nhà, Chúc lại mong được đi dự Hội làng để được ăn Tết sớm. Kể từ cái tết đầu tiên ấm cúng, vui vẻ ấy, cứ mỗi độ Xuân về, sắp đến ngày ông Công, ông Táo, ngoài cảm giác náo nức chuẩn bị về nhà, Chúc lại mong được đi dự Hội làng để được ăn Tết sớm.



Hội làng năm 2009, được tổ chức ngay tại đại bản doanh của của FPT - tòa nhà FPT Cầu Giấy, Duy Tân, Hà Nội cũng để lại ấn tượng với Chúc. Năm ấy, Chúc ngồi làm việc trên tòa nhà mà cứ nhấp nhổm không yên, chốc chốc lại chạy xuống dưới sân xem mọi người chuẩn bị cỗ bàn, đón Tết. Trong làn mưa phùn lất phất, ai nấy xúm xít quanh cổng để nghía mặt tam khôi FPT. Chúc hồ hởi: “Mình nhớ nhất là các cụ mặc trang phục truyền thống khấn vái xì xụp, khói hương mù mịt, trong khi con cháu mặt mày dáo dác, chỉ chăm chăm chờ đến giờ ngả cỗ đánh chén”.


Cũng giống Chúc, Cao Anh Chiến, FPT IS Bank nhớ nhất màn lễ tạ trời đất của các “cụ”. Từng trải qua 6 cái Tết ở FPT, tuy nhiên lập nghiệp xa quê nên năm nào gần Tết anh Chiến cũng tấp tểnh về quê. Dù không tham gia hội làng thường xuyên nhưng hình ảnh các “cụ” ở FPT bê đồ lễ xì xụp khấn vái đã để lại ấn tượng mạnh với anh Chiến. Đó là dịp Tết năm 2007 Hội làng FPT tổ chức tại sân vận động Quần Ngựa. Mấy năm nay, anh Chiến tiếc hùi hụi vì phải về quê đúng thời gian diễn ra Hội làng nên không được chứng kiến không khí Tết cổ truyền rất lạ ở FPT.


Vũ Mạnh Tuấn, cán bộ tuyển sinh ĐH FPT cũng chia sẻ: “Làm việc bận rộn cả năm chỉ mong đón cái tết, anh em có thời gian ngồi chia vui với nhau ở Hội làng”. Theo anh, Hội làng là nét văn hóa rất riêng và độc đáo mà ít có doanh nghiệp nào có được nên anh rất muốn lễ hội truyền thống này sẽ được duy trì hằng năm.


Anh Đặng Hùng Tuấn, Tổng thư ký tổng hội FPT Trading Miền Trung đã có 5 lần được tham gia Hội làng ở FPT Đà Nẵng. Anh Tuấn ấn tượng nhất lần đầu tiên tham gia hội làng năm 2007. Năm đó, anh đại diện cho FPT Distribution tham gia ban tổ chức Hội làng. Anh em trong công ty sáng tạo khi đưa món thịt chó vào thực đơn bán tại Hội làng. Anh Tuấn đứng vai trò đầu mối trong việc mua nguyên liệu, tung chiêu PR để hút khách mua hàng khi điều dàn chân dài nóng bỏng nhảy múa trước quán. Nhờ món ăn lạ, nguyên liệu ngon và chiêu PR rất biết đánh vào tâm lý khách hàng mà cửa hàng của anh rất đắt khách. Khi Hội làng kết thúc, cả nhóm bội thu tiền lãi một gấp đôi so với số vốn bỏ ra ban đầu.



Bên cạnh đó, anh Tuấn còn rất hào hứng với phần trò chơi khi có sự tài trợ khủng của các sếp. Năm nào cũng vậy, cứ đến phần trò chơi “các bô lão” trong làng FPT Đà Nẵng sẵn sàng rút ví thưởng nóng cho anh em giành chiến thắng trong trò chơi truyền thống như leo cột mỡ, đi cà kheo, đập niêu. Năm tài trợ cho các trò chơi khủng nhất của các sếp là năm 2010, đặc biệt là trò leo cột mỡ. Các sếp rút ví tài trợ cho quán quân trò chơi gần chục triệu, trong khi quà chính thức của ban tổ chức chỉ là 2 thùng bia.


Theo anh, Hội làng năm nay vẫn chưa có nhân tố mới để hấp dẫn các anh em từng làm ở FPT lâu năm. Cộng thêm, các sếp giảm số tiền thưởng làm các trò chơi bớt tính cạnh tranh. Tuy nhiên, với anh Tuấn, Hội làng vẫn là sự kiện được anh em mong chờ dịp Tết đến Xuân về, là nét văn hóa truyền thống đậm chất STCo của người FPT.


Đều mang ý nghĩa là chương trình họp mặt của cán bộ nhân viên và lãnh đạo cùng chung vui để chia tay năm cũ và chuẩn bị đón năm mới, nhưng ở TP HCM lại có tên là Lễ Tất niên. Nhưng nếu ở Hà Nội lễ hội này thu hút hàng ngàn người tham dự với các quầy bán hàng dân gian được thiết kế công phu, đẹp mắt thì TP HCM khiêm tốn hơn với vài trăm người và chỉ chia thành các khu vực ăn uống, vui chơi nhỏ.


Trần Sỹ Nam, FPT Trading từng tham gia tiệc Tất niên ở FPT HCM năm lần chia sẻ: “Tôi ấn tượng nhất với mùa Tất niên 2007 tại 41 Sương Nguyệt Ánh, khi các đơn vị thi văn nghệ và diễn các trò vui nhộn. Năm ấy, bữa tiệc tất niên đúng nghĩa là cơ hội được gặp gỡ đồng nghiệp”. Từ sau khi trụ sở FPT rời khỏi 41 Sương Nguyệt Ánh, tiệc tất niên FPT HCM tổ chức theo mô hình khách mời. Vì địa điểm tổ chức không lớn nên ban tổ chức đành phân số lượng về từng đơn vị, manager hay cán bộ nhân viên có thư mời sẽ tham gia buổi tiệc. Vì vậy, những năm gần đây, điều anh Nam trăn trở nhất là: “Tôi chờ đợi cái thời mà mọi người tham dự Hội làng và phong trào trong vai trò người tổ chức, người trình diễn, tham gia chứ không phải là khách mời như bây giờ”.



Nguyễn Đình Trụ, QA FHO gần một năm bị công việc bề bộn cuốn đi, xem lịch Tết mới biết Hội làng sắp đến. Anh từng tham gia 4 lần Hội làng của FPT. Anh Trụ là người đặc biệt khi đón ba tiệc tất niên ở TP HCM và một Hội làng ở Hà Nội vào năm ngoái.


Kỷ niệm mà anh Trụ nhớ nhất là tiệc Tất niên của FPT HCM tổ chức vào ngày 31/12/2009 trên sân thượng của tòa nhà 153 Nguyễn Đình Chiểu. Không gian nhỏ nhưng thoáng mát, với chỉ khoảng 200 người tham dự. Mọi người được thưởng thức tiết mục văn nghệ, câu chuyện vui và những lời chúc từ lãnh đạo. Sau đó, ai tham dự cũng đều được nhận lì xì sớm từ các sếp. Vui nhất với Trụ đêm ấy là đến khi chương trình chính kết thúc, nhiều người đã ra về, nhưng thấy bia và thức ăn còn nhiều, sợ bỏ phí nên các chàng trai và một số lãnh đạo đã cùng nhau ở lại nhậu tiếp đến tận 5h sáng hôm sau.


Khi ra Bắc làm việc, lần đầu dự Hội làng FPT 2011 ở Hà Nội tổ chức tải sảnh phía sau tòa nhà FPT Cầu Giấy cũng là ấn tượng khó quên. Hôm ấy, lượng người quá đông so với không gian, ai cũng muốn được nhìn cả sân khấu, nên đứng cả lên ghế để nhìn cho rõ, do vậy người đứng sau không theo dõi được. Các gian hàng ăn uống được thiết kế đẹp mắt nhưng lượng thức ăn lại hết quá nhanh. Nhóm Trụ và một số anh em thấy nản chí, đành vác cái bụng đói về sớm để rủ nhau tự đi "hội làng nhóm" với nhau.


Nguồn: Chungta

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn