Bắc Du tầm cù

Sau khóa học quản trị kinh doanh cao cấp kéo dài 2 tuần ở TP HCM, đoàn cán bộ quản lý cấp cao đến từ nhiều đơn vị trong Tập đoàn lại nhận nhiệm vụ sang “hàng xóm” để học hỏi một số mô hình trên đất bạn, hy vọng làm rõ hơn phần nào “mớ chữ” mới học được. 


Thông tin và những bài học rút ra được từ chuyến đi còn rất nhiều, nhưng trong khuôn khổ hạn chế của bài báo, tôi chỉ xin phép chia sẻ dăm câu ba điều với độc giả của Chúng ta.


Đoàn FPT có 8 người với thành phần khá đa dạng và đại diện cho hầu hết các hướng hoạt động chính của Tập đoàn, chỉ tiếc là thiếu chị Chu Thanh Hà TGĐ FPT Telecom vì bận việc đột xuất nên không tham gia được cùng. Nhưng lại có thêm 2 bạn Độ và Hoàng đến từ FTG đi cùng để làm việc với đối tác Lenovo.


Buổi làm việc đầu tiên với Liên đoàn các phòng thương mại và công nghiệp Trung Quốc không để lại nhiều ấn tượng vì chỉ là thủ tục xã giao. Nhưng buổi làm việc buổi chiều và giao lưu buổi tối với Lenovo đã thực sự để lại ấn tượng rất sâu sắc cho toàn bộ thành viên của đoàn FPT.


Hai lãnh đạo số 2 và số 3 (Senior Vice President - SVP) của Lenovo đã thay nhau tiếp đoàn rất trọng thị và cởi mở. Do được anh Tuân chuẩn bị chu đáo thông tin về Lenovo đêm hôm trước, buổi làm việc khá chất lượng vì các câu hỏi thành viên đoàn FPT đặt ra rất trọng tâm. Nhiều câu hỏi, ví dụ hỏi về vai trò của TPG ??? trong việc mua bộ phận IBM PC, đã làm cho ông Lucin, SVP của Lenovo khá bất ngờ vì không nghĩ “bọn” này biết rõ ngóc ngách đến thế. Khá nhiều bài học có thể rút ra được từ ví dụ Lenovo, đặc biệt từ thương vụ đình đám với IBM.


Bài học đầu tiên từ Lenovo liên quan đến toàn cầu hóa. Để thực hiện hiệu quả và nhanh nhất việc toàn cầu hóa, giải pháp của Lenovo là tạo ra một ban lãnh đạo quốc tế với thành phần hỗn hợp từ cả 2 đơn vị Legend (thương hiệu máy tính hàng đầu Trung Quốc, tiền thân của Lenovo) và IBM PC, để tận dụng được “the international brand” của các dòng máy IBM PC. Đồng thời, Lenovo bắt buộc sử dụng tiếng Anh trong toàn công ty, và chuyển trụ sở chính từ Trung Quốc ra nước ngoài. Những giải pháp này là những bước đi vô cùng mạnh bạo và quyết liệt, tuy gặp không ít khó khăn, mất mát nhưng nó đã giúp Lenovo toàn cầu hóa một cách triệt để.


Bài học thứ hai là việc chọn đối tác hay mục tiêu để mua bán. Lenovo là một sự kết hợp khá hoàn hảo khi Legend đang chiếm thị phần số 1 tại thị trường Châu Á – Thái Bình Dương và IBM PC là một thương hiệu lớn trên các thị trường Mỹ và châu Âu. Sự kết hợp này cũng khéo léo bù đắp các điểm yếu và mạnh của mỗi bên. IBM PC có “brand” toàn cầu nhưng mô hình cồng kềnh, lỗ nhiều năm liền trong khi Legend có hệ thống quản lý tốt, chi phí rẻ và được sự hậu thuẫn mạnh của chính phủ Trung Quốc.


Xã hội Trung Quốc vốn nổi tiếng là một xã hội khá kỷ cương. Chúng tôi cũng đã chứng kiến không ít ví dụ minh chứng trong chuyến đi này. Điển hình như quyết tâm của lãnh đạo Lenovo biến một công ty đặc Trung Quốc, phần lớn không biết nói tiếng Anh trở thành một công ty toàn cầu với tất cả lãnh đạo, nhân viên sử dụng ngôn ngữ chính thức tiếng Anh khá hoàn hảo chỉ trong vòng 2 năm.


Từ đó dẫn tới gài học thứ ba về tính kỷ luật: trên đã quyết là dưới thực hiện được. Chợt nghĩ, có phải người FPT đang không nhìn ra hay cố ý che giấu sự thiếu kỷ luật và tự do vô tổ chức của mình dưới một cái tên mỹ miều: dân chủ và sáng tạo. Có thể đây là điểm yếu chết người mà FPT sẽ gặp phải trên con đường toàn cầu hóa cạnh tranh khốc liệt.


Lãnh đạo Lenovo đã thừa nhận rằng vấn đề lớn và khó nhất khi thực hiện thương vụ IBM PC chính là vấn đề văn hóa và sự khác biệt Đông – Tây. Nhưng khi đã giải quyết được thì điều đó lại trở thành điểm mạnh. Một ví dụ để củng cố thêm cho điều này là ví dụ thành công của Trường quản trị kinh doanh CEIBS ở Thượng Hải, đơn vị tổ chức khóa học QTKD cao cấp tại HCMC đã nói ở trên.


Đoàn FPT Bắc du tại Trung tâm sáng tạo Lenovo

Hiện nay, trường nằm trong top 10 chương trình đào tạo MBA danh tiếng nhất thế giới và No 1 tại châu Á. Khi nói chuyện với đoàn ở trụ sở chính của trường, giáo sư De Bettignies cho biết, thành công của CEIBS chính là sự kết hợp các lý thuyết và giáo sư hàng đầu phương Tây với văn hóa Trung Quốc, gắn lý thuyết với những bài học thực tiễn của nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhất thế giới này.


Buổi tối, đoàn được một SVP khác của Lenovo mời đi chiêu đãi rất trọng thị. Sau những tuần rượu Mao đài lấy khí thế, đoàn FPT đã hiên ngang đứng lên hát rất hùng tráng bài hát Đoàn FPT. Đội bạn tỏ ra rất thích thú và nể vì. Nhưng ngay sau đó họ đã gây bất ngờ cho đoàn FPT khi Phó chủ tịch cấp cao của Lenovo đã cùng các đồng nghiệp đáp lễ bằng một bài hát của Lenovo cũng hùng tráng không kém với chất giọng cực khỏe và uy lực. Rất tiếc là thời gian không cho phép để đoàn FPT được thi thố thêm nhưng cũng đã đủ thấy rằng vũ khí của mình cũng không ít nơi có.


Chuyến làm việc với China Telecom thì để lại ấn tượng mạnh nhất về một “learning organization” thực thụ. Với hơn 500 nghìn nhân viên nhưng thời gian học tập trung bình trong năm của mỗi nhân viên China Telecom là 8.9 ngày, một con số thật sự vô cùng ấn tượng. Trong năm 2008, hơn 364 nghìn người đã đăng ký học hơn 4,000 khóa học online khác nhau tại China Telecom Online University, chiếm 71% số nhân viên toàn công ty.


Nói chuyện học, chuyến tham quan và làm việc tại CEIBS cho thấy một bức tranh sơ bộ về giáo dục đại học Trung Quốc. Một số xu thế trong giáo dục đại học của Trung Quốc khá giống Việt Nam như việc tăng dần sự đóng góp của khu vực tư nhân, tăng mạnh tỷ lệ số người học đại học trên tổng số học sinh tốt nghiệp từ 1:27 năm 1999 lên 1: 1,75 trong năm 2008.


Tuy nhiên có một khác nhau khá cơ bản và quyết định là vấn đề chất lượng giáo dục. Dù báo chí Trung Quốc vẫn kêu ca nhiều về chất lượng giáo dục và mới đây Quốc hội vừa cách chức Bộ trưởng Bộ giáo dục nhưng tất cả các doanh nghiệp mà chúng tôi tham quan đều bày tỏ sự hài lòng và thỏa mãn với chất lượng sinh viên Trung Quốc ra trường, không có bất cứ sự phàn nàn nào.


Một lợi ích không thể không nhắc tới từ chuyến đi là việc tạo ra và thắt chặt hơn quan hệ giữa lãnh đạo các đơn vị, nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược Synergy của Tập đoàn. Có lẽ trong bất kỳ một công việc nào, sự hợp tác lâu bền và sâu sắc giữa người Việt Nam với nhau vẫn phải xuất phát đầu tiên từ các mối quan hệ cá nhân. Những cuộc “họp lớp” lúc 11h đêm để hội ý chuẩn bị cho các buổi làm việc ngày hôm sau, nghe trình bày thông tin về đối tác hay chỉ đơn giản là để bàn tán, cười đùa về những gì đã trải qua trong ngày thực sự là những kỷ niệm rất khó quên.


Hay với tôi, cơ hội có được gần 2 giờ đồng hồ trao đổi, chia sẻ thông tin về các vấn đề của ĐH FPT và FPT Software cùng chị Bùi Hồng Liên trên một cabin cáp treo mui trần lướt qua các ngọn cây ở Nam Kinh chắc chắn là vô cùng bổ ích. Những giây phút nghịch ngợm cùng nhau trèo rào giữa đêm khuya ở cạnh sân vận động Tổ chim, thủ đô Bắc Kinh không loại trừ có thể là tiền đề cho các hợp tác bền chặt giữa các đơn vị trong tương lai.


Bảo tàng FPT (2009)

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn