Con đường tơ lụa

FPT Tel tham gia vào thị trường điện thoại cố định khi các mạng điện thoại đã tương đối phát triển; “giữa muôn trùng vây” của các nhà cung cấp khác, để giành được thị phần, FPT Tel sẽ gặp không ít thách thức.


Sau gần 7 tháng trì hoãn, FPT Tel sẽ triển khai dịch vụ điện thoại cố định trên toàn quốc trong hai tháng tới, trở thành mạng điện thoại cố định thứ 5 ở Việt Nam sau VNPT, Viettel, EVN Telecom, Saigon Postel. Dự kiến, khi “trình làng”, mạng điện thoại của FPT Tel sẽ có đầu số là 30xxxxx.


FPT Tel là doanh nghiệp cuối cùng (cho tới năm 2010) được cấp phép trong lĩnh vực điện thoại cố định. Tuy nhiên, con đường xâm nhập thị trường và giành thị phần của FPT Tel được dự liệu là không hề bằng phẳng.


Cách đây 10 tháng, khi Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ điện thoại cố định trên toàn quốc cho FPT Tel, “ông trùm” VNPT đã có hơn 7 triệu thuê bao điện thoại cố định. Các đơn vị khác là Viettel, EVN, Saigon Postel, cũng đang cạnh tranh ráo riết để nâng thị phần. FPT Tel lúc đó đã dự kiến tháng 03/2007 sẽ bắt đầu triển khai dịch vụ này, đến tháng 06/2007 sẽ phát triển được 100,000 thuê bao điện thoại cố định và đến hết năm là 250,000 thuê bao.


Tuy nhiên, FPT Tel đã “lỗi hẹn”, án binh bất động ngay sau khi nhận được giấy phép. Sự im lặng của FPT Tel dường như là nốt trầm trong cung bậc chung không cao độ của toàn thị trường. Viettel đã triển khai dịch vụ điện thoại cố định tại 64 tỉnh, thành nhưng mới chỉ ở các trung tâm lớn; Saigon Postel nhiều năm qua vẫn chỉ loanh quanh tại TP HCM và một vài tỉnh lân cận. Thế nên có thể nói, cho tới nay, đại gia VNPT gần như vẫn “độc quyền” cung cấp dịch vụ này.



Ông Trần Mạnh Hùng, GĐ Bưu điện TP HN cho biết, chi phí cho một máy điện thoại cố định cao hơn gấp 4 lần chi phí cho một máy di động, trong khi doanh thu từ máy cố định liên tục giảm. Một máy điện thoại cố định ở HN hiện nay có doanh thu bình quân là 150,000 VND/tháng; trong năm 2007, doanh thu trên đầu máy từ dịch vụ này được dự báo sẽ giảm xuống 140,000 –130,000/tháng.


Đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm đã khiến nhiều nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cố định chuyển sang sử dụng hạ tầng của mạng di động để cung cấp dịch vụ điện thoại cố định không dây. Lần lượt EVN, Viettel, VNPT đã xây dựng và phát triển mảng điện thoại cố định không dây để bắt kịp với xu thế và tâm lý giới trẻ.


Phát triển mảng điện thoại cố định, FPT Tel như đang độc hành trên con đường ngược lại với xu thế chung. Tuy nhiên, xét về lâu dài, việc mở rộng và phát triển mảng điện thoại này là một chiến lược để xây dựng hạ tầng vững chắc cho mục tiêu phát triển băng rộng.


Lợi thế của FPT Tel là đã có một hạ tầng cơ sở ổn định và một lượng khách hàng tương đối. Là người đi sau, FPT Tel đã tìm cho mình một hướng đi khác hẳn với các nhà cung cấp dịch vụ trước đó. Điểm khác biệt của FPT Tel là họ sẽ cung cấp dịch vụ điện thoại trên hạ tầng internet băng rộng ADSL.


FPT Telecom đã mua một hệ thống tổng đài của hãng Cisco Systems để triển khai dịch vụ trên nền mạng thế hệ mới (NGN - New Generation Network). Thay vì một chiếc điện thoại cố định thông thường, FPT Tel còn mang đến cho người sử dụng nhiều giá trị gia tăng khác, bao gồm internet băng rộng, điện thoại cố định (IP Phone), truyền hình trực tuyến và các dịch khác nữa. Tích hợp dịch vụ để khai thác tối đa hạ tầng dường như là chiến lược của FPT Tel với định hướng này. Trước mắt, FPT Tel dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ cho khoảng 200,000 khách hàng ADSL của công ty.


Trong các giá trị gia tăng trên điện thoại cố định của FPT Tel, đáng chú ý là mảng dịch vụ IP phone. Công ty nghiên cứu thị trường Dell’ Oro Group dự đoán rằng thị trường điện thoại cố định IP sẽ bùng nổ trong vài năm tới. Dell’ Oro Group cho biết, năm 2006, số điện thoại IP được bán ra là 11,3 triệu chiếc và sẽ tăng lên 34 triệu vào năm 2010.


Dịch vụ này đang được các doanh nghiệp có nhiều văn phòng, chi nhánh trên toàn quốc sử dụng; bởi họ vừa có thể thiết lập một mạng điện thoại riêng cùng với các dịch vụ, các ứng dụng mới linh hoạt trên nền IP mà không cần tổng đài nội bộ, vừa tiết kiệm được nhiều chi phí điện thoại vốn khá lớn cho các cuộc gọi ngoại tỉnh.


Hiện ở Việt Nam chưa có nhà cung cấp nào triển khai loại hình dịch vụ theo dạng gói như vậy; theo đánh giá của TGĐ FPT Tel Trương Đình Anh, việc sử dụng dạng này sẽ hiệu quả và rẻ hơn rất nhiều so với mua lẻ từng dịch vụ.


Nói về giá thành và hướng phát triển của dịch vụ này trong thời gian tới, anh Đình Anh cho rằng FPT Tel chưa thể nói được gì do vẫn “đang trong giai đoạn triển khai”. Tuy nhiên, anh cho biết giá thành dịch vụ này đang được tính toán “theo hướng cạnh tranh nhất”. Cạnh tranh về giá chắc chắn sẽ là bài toán đầy cam go bởi VNPT, Viettel, EVN trong thời gian vừa qua đã liên tục giảm giá để kích cầu; họ chắc chắn cũng không thiếu thực lực để giảm giá, cạnh tranh lấy thị phần, chưa nói tới việc đưa ra nhiều dịch vụ khác.


Đầu tháng 08/2007, VNPT công bố hai dịch vụ: nhắn tin trên mạng cố định (Fixed SMS) và giải pháp mạng điện thoại nội bộ (IP Centrex). Với Fixed SMS, dịch vụ này cho phép thuê bao cố định VNPT gửi và nhận tin nhắn với nhau và tới các mạng di động VinaPhone, MobiFone, Cityphone, Gphone, CDMA nội tỉnh.


FPT Tel sẽ phải tăng tốc ngay từ đầu để giành thị phần, bởi điểm thu hút người tiêu dùng của FPT Tel hiện nay là mạng thế hệ mới NGN sắp tới sẽ bị VNPT “hoá giải”. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, PTGĐ VNPT Bùi Thiện Minh cho biết chậm nhất đầu năm 2009 “VNPT sẽ hoàn thành hạ tầng mạng thế hệ mới NGN”.


Được biết, mỗi tháng, FPT Tel có khoảng 15,000 - 20,000 thuê bao mới, và dự kiến sẽ tăng lên 300,000 khách hàng ADSL vào cuối năm 2007. Đây sẽ là nguồn khách hàng tiềm năng của dịch vụ điện thoại cố định của FPT Tel. FPT Tel sẽ triển khai trước, theo kế hoạch, ở 5 tỉnh, thành là Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng. Mục tiêu của FPT Tel là đến 2008 mở rộng dịch vụ ra 10 tỉnh, thành khác.


Bảo tàng FPT (2007)

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn