Diễn đạt cuộc sống

Cuộc sống của người FPT hiện ra thật sinh động trong cách nhìn, cách cảm và bằng tài năng của những họa sĩ “cây nhà lá vườn”.


Không lỉnh kỉnh giá bút, cũng không lấm lem cọ màu như hình ảnh vẫn thường thấy về họa sĩ, là nét khắc họa đầu tiên về những họa sĩ FPT. Trong tranh tự họa, hình ảnh của họ hiện lên một cách chỉn chu, gọn gàng nhưng không hề mất đi chất lãng tử, phiêu diêu của người nghệ sĩ.


Thoạt nhìn TuấnBA, có lẽ không ai hình dung được anh là họa sĩ BAT trứ danh của FPT cũng bởi sự chỉn chu bề ngoài. Nhưng chỉ cần nhìn thêm một giây nữa, khi dừng lại ở đôi mắt nâu biết cười, và mái tóc mềm của anh, người đối diện sẽ tự gạt bỏ đi những phán đoán ban đầu của mình.


Đây cũng là ấn tượng chung của nhiều người khi tiếp xúc với những họa sĩ FPT khác như KhánhNV, HiếuTC, LongNH… Có thể, chất nghệ sĩ của họ ẩn trong bộn bề công việc ngày thường nhưng sự thôi thúc sáng tạo để khi có dịp sẽ thăng hoa vẫn hiển hiện rõ ràng trong từng tác phẩm.


Nhiều người hẳn không còn lạ lẫm với bức tranh sơn dầu khổng lồ được đặt ở sảnh tòa nhà FPT Cầu Giấy nhưng sẽ không có nhiều người biết KhánhNV (Visky) chính là tác giả của bức tranh ấy.


KhánhNV bảo, sở trường của anh là vẽ tranh phong cảnh và hình họa bằng sơn dầu hoặc bút chì, đặc biệt là tranh lớn khổ. Anh khoe, anh vừa hoàn thành bức tranh Phố cổ Hà Nội khổ 4x3m, nhưng anh cũng tiết lộ thời gian để hoàn thành tác phẩm ấy là gần một năm.



Cứ vào dịp cuối năm, rảnh rỗi là KhánhNV xách ba lô đi các tỉnh. Thói quen ấy được hình thành từ thời còn là sinh viên Mỹ thuật Công nghiệp. KhánhNV chia sẻ: “Chỉ những thời điểm đó tôi mới chịu vẽ. Lúc đó trời thường rất lạnh, cầm bút vẽ mà tay tê cóng, hoàn thành được bức tranh mà người cứng đờ, nhưng bù lại rất nhớ”.


Nhắc lại những lần đi vẽ, KhánhNV hồn nhiên kể, hồn nhiên cười với một sự thích thú vô hạn. KhánhNV tâm sự, “giờ bận hơn rồi” vì công việc, vì gia đình nhưng hễ có thời gian là anh lại cầm cọ, lại vẽ tranh phong cảnh dù có thể một năm mới ra được một tác phẩm. “Những món đó, TuấnBA còn từng phải gọi tôi là sư phụ đấy”, KhánhNV cười khì khì.


TuấnBA là đồng môn của KhánhNV lúc còn học ở Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Ra trường hai người lại trở thành đồng nghiệp khi cùng đầu quân về FPT Software. Khác với KhánhNV “chuyên trị” tranh phong cảnh, kí họa, TuấnBA lại thiên về biếm họa và anh đã gắn chặt tên mình với thể loại tranh này.


Hội họa vốn đã khó và vẽ biếm họa lại càng không dễ dàng. Ở Việt Nam số lượng họa sĩ vẽ tranh biếm không nhiều và đất dành cho thể loại này cũng hạn hẹp. Tuy nhiên, TuấnBA vẫn kiên định với biếm họa bởi nó có thế mạnh trong việc truyền tải thông tin một cách nhanh chóng bằng hình ảnh, thủ thuật.


“Một bức biếm họa hay có thể “nói” được nhiều hơn thậm chí là một bài viết dài”, TuấnBA nói. Anh cho biết, hơn 4 năm qua, nội san Cucumber luôn sử dụng và duy trì hình biếm họa trong mỗi bản tin bởi những hình vẽ sống động, giàu thông tin đã chiếm được đa số cảm tình của độc giả FPT Software.


“Vẽ tranh biếm cũng như kể một câu chuyện, có nội dung, thông điệp rõ ràng đồng thời cũng thể hiện được cái nhìn của người vẽ. Tranh biếm họa đưa thông tin nhanh theo nhịp sống một cách dễ hiểu nhất”, TuấnBA giải thích.


Nhưng để vẽ được bức tranh để mọi người cùng hiểu, cùng cảm không phải dễ dàng. Quá trình sáng tác của họa sĩ biếm vô cùng đa dạng, nhiều khi chỉ vì cố mang lại tiếng cười cho người xem mà họ phải vò đầu, bứt trán để tìm ý tranh. Không ít lần, “lẩy” ra ý tưởng rồi nhưng chưa sử dụng ngay phải “dìm” lại chờ cơ hội, nhưng cũng không thiếu khi phải bật dậy như cái lò xo giữa đêm hôm khuya khoắt loay hoay ghi vội một ý tranh chợt đến để khỏi bị quên.


Những bức hí họa có lợi thế đặc biệt là cường điệu và bóp méo đến mức tối đa hình họa. khiến các nhân vật trở nên méo mó, biến dạng, thậm chí là xấu xí hơn rất nhiều nhưng lại khiến người xem thích thú.


Nhân vật được “biến hình” nhiều nhất trong tranh của BAT là anh BìnhTG, tuy nhiên, theo họa sĩ, nhân vật dễ thể hiện nhất lại là anh Hùng Râu. Theo TuấnBA, những nhân vật dễ bắt được nét, tìm được thần thái trên khuôn mặt sẽ mất ít thời gian sáng tác. Có thể chỉ mất 10 phút để hoàn thành một tác phẩm nhưng cũng không ít khi TuấnBA phải “bò” ra vài tuần mới có được bức tranh ưng ý.


Muốn vẽ được tranh biếm, ngoài bàn tay tài hoa của một họa sĩ, cần có con mắt sắc sảo nhanh nhạy của một thợ săn và sự tinh tế của một bác sĩ giải phẫu. Chính vì thế, biếm họa có khi chạm đến những vấn đề nhạy cảm hay những mặt trái của cuộc sống mà không “lộ”. Tuy nhiên, họa sĩ đôi khi cũng gặp “tai nạn” nghề nghiệp.


Sự cố gặp nhiều nhất chính là đối tượng bị biếm họa tự ái khi nhìn thấy khuôn mặt mình méo mó đi qua bàn tay tài hoa của TuấnBA. Sau mỗi sự cố như vậy TuấnBA lại tự nhủ phải “cân đong” kỹ từng nét họa của mình.


Nhờ có nét vẽ của TuấnBA không ít lần FPT Sofware đã làm hài lòng khách hàng của mình. Nhiều khách hàng Mỹ, Nhật đã tỏ ra rất thích thú khi nhận được món quà tuy đơn giản nhưng hết sức ý nghĩa là những chiếc đĩa gốm in biếm họa của họ. Thậm chí có một khách hàng người Mỹ, trước khi lập gia đình đã e-mail cho GĐ FAPAC Hoàng Việt Anh đề nghị được tặng một bức tranh biếm của TuấnBA làm quà cưới.


Còn đối với KhánhNV, những bức họa đã mang lại cho anh nhiều kỷ niệm, nhất là trong việc chinh phục bà xã. Hồi mới cưa cẩm bà xã, KhánhNV đã “lôi” vợ ra làm mẫu, mỗi ngày yêu nhau là một nét cọ, thế nhưng đến bây giờ khi hai người đã sắp chào đón đứa con đầu lòng mà bức tranh ấy vẫn còn dở dang.


Nhưng đau lòng nhất cho Khánh là sau khi hì hục cả một năm trời để hoàn thành bức tranh Phố cổ Hà Nội trên tường nhà thì anh lại quyết định bán nhà. Không mang theo được tiếc đã đành, để lại còn đau lòng hơn khi người mua nhà hỏi “làm sao để xóa”...


Dù có nhiều sự cố nho nhỏ, dù vẽ được tranh hay không, thậm chí dù người thưởng thức chưa chắc đã cảm được ý mình thì họ vẫn vẽ. Vẽ tranh với họ là niềm vui, một phần công việc, là xả stress sau những giờ làm việc căng thẳng và là cả niềm tự hào.


“Tôi tự hào lắm. Anh Bình hoặc bất kì ai có thể rất thành công nhưng chưa chắc đã có thể ghi nhận cuộc sống với thế giới quan như bọn tôi”, KhánhNV nói. TuấnBA còn dự định sẽ ra mắt một tuyển tập tranh biếm để kể chuyện FPT Software bằng hình ảnh, nhân dịp kỷ niệm đơn vị này sinh nhật 10 năm. Dự kiến tuyến tập này sẽ dày 100 trang gồm những sáng tác cũ và bổ sung mới.


Trên thế giới này có vô số người cầm cọ nhưng chỉ có một số ít người trong đó trở thành họa sĩ được người xem chấp nhận, thưởng ngoạn hoặc đem ra bàn luận, và một số còn ít hơn thế được hậu thế công nhận. Riêng đối với FPTers, các họa sĩ tài năng hiếm hoi của họ, trong đó có KhánhNV và TuấnBA, đương nhiên được ghi nhận và ngưỡng mộ vì đã mang lại màu sắc cho cuộc sống vốn đa thanh đa diện ở FPT.


Bảo tàng FPT (2008)

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn