Những trở ngại khiến bạn gặp khó khăn khi học ngoại ngữ

Học ngoại ngữ là cả một quá trình rèn luyện và gặp không ít khó khăn. Không kiên trì, ngại nghe, ngại nói, không có phương pháp học linh hoạt và mặc cảm về bản thân…là những khó khăn gây trở ngại cho việc học ngoại ngữ của bạn.


1. Tư tưởng “cả thèm chóng chán”


Học ngoại ngữ không phải là công việc tẻ nhạt, song cũng không thể coi nó là một trò chơi hấp dẫn từ đầu đến cuối. Đối với học ngoại ngữ, ngữ pháp cần được giải thích kĩ càng và bài tập thực hành cần phải làm thường xuyên, liên tục. Người học rất cần thử sức mình bằng cách tự học. Ngoài ra cũng nên tìm một giáo viên có nhiều kinh nghiệm để có thể bày tỏ nguyện vọng của mình.


Các chuyên gia tâm lí cho rằng:


- Người học đừng bao giờ ảo tưởng vào một phương pháp siêu việt, nhờ nó ngoại ngữ tự động chảy vào đầu mình mà hãy tìm một phương pháp tốt nhất, phù hợp với tính cách của mình.


- Những yếu tố như kiên nhẫn, cố gắng liên tục, duy trì tính kỉ luật cao, bao giờ cũng rất cần thiết.


- Nếu như người học mắc bệnh “cả thèm chóng chán” thì không khi nào anh ta có thể đạt tới mục tiêu đề ra. Ai đó đã nói câu: “Đối với một nữ diễn viên bale tồi thì cái gấu váy cũng là vật cản”. Câu nói này cũng có thể đúng với người học ngoại ngữ. Một khi anh ta không dám khắc phục một khó khăn nhỏ mà chỉ lo bới lông tìm vết trong những nguyên nhân vụn vặt, thất bại là điều không tránh khỏi. Cho nên quan trọng nhất là xem lại động cơ học tập của mình và tạo ra hứng thú học hành.


2. Ngại nói


Việc một người có thể viết bằng ngôn ngữ nước ngoài, ghép một động từ, hoặc hoàn thành một bài kiểm tra từ vựng thì không quan trọng. Để học, tiến bộ và có thể thực sự sử dụng ngoại ngữ, chúng ta cần phải nói chuyện.



Nói chuyện bằng tiếng nước ngoài là một việc vô cùng khó khăn. Đặc biệt là đối với những người cầu toàn, luôn sợ bị người khác chê cười và sợ bị người khác hiểu lầm. Cho nên:


- Bạn đừng suy nghĩ quá nhiều về chuyện mình nói như thế nào.


- Đừng sợ mắc lỗi ngôn ngữ. Những lỗi về ngôn ngữ, ngữ điệu…của bạn sẽ được cải thiện rất nhiều nếu bạn thường xuyên luyện nói và giao tiếp với mọi người xung quanh.


Các chuyên gia cho rằng có thể sửa phát âm và ngữ điệu bằng cách:


- Nghe nhiều lần audio, video để học tiếng.


- Tự mình ghi lại lời mình để nghe và so sánh với cách phát âm của băng gốc.


Không có gì phải mặc cảm với cách phát âm và ngữ điệu của mình khi nó có vấn đề. Ngữ điệu chuẩn, đó là kết quả của một quá trình lâu dài, nó có thể xuất hiện ở cuối chặng đường.


3. Không nghe đủ


Cũng như trẻ sơ sinh học để sản xuất ngôn ngữ bằng cách nghe và bắt chước âm thanh, người học ngoại ngữ cần phải luyện nghe để học. Điều này có thể củng cố vốn từ vựng và cấu trúc, đồng thời giúp học viên thấy được các thành phần trong ngôn ngữ.


Nghe là kỹ năng giao tiếp mà chúng ta sử dụng trong cuộc sống hàng ngày nhưng sẽ có khó khăn khi thực hành kỹ năng nghe, trừ khi bạn sống ở nước ngoài hoặc tham dự các lớp học ngoại ngữ. Vậy giải pháp là thế nào? Bạn có thể tìm các bài hát, chương trình TV và các bộ phim nói bằng ngôn ngữ mà bạn đang học và lắng nghe, càng thường xuyên càng tốt.


4. Thiếu tò mò


Trong việc học ngoại ngữ, thái độ có thể là một yếu tố quan trọng trong việc một học viên tiến bộ như thế nào. Nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học về thái độ trong việc học ngoại ngữ cho thấy những người có thành kiến về nền văn hóa liên quan đến ngoại ngữ mà họ theo học thì thường kém trong việc học ngoại ngữ đó, ngay cả khi họ học trong nhiều năm như là một môn học bắt buộc.


Trong khi đó, một người học quan tâm về nền văn hóa liên quan đến ngoại ngữ mình học thì sẽ thành công hơn trong việc học ngoại ngữ đó. Những học viên tò mò về văn hóa sẽ dễ tiếp thu ngôn ngữ và cởi mở hơn với việc hình thành các mối quan hệ với người bản xứ.


5. Suy nghĩ cứng nhắc


Việc học ngoại ngữ bao gồm rất nhiều sự không chắc chắn - học viên sẽ gặp phải từ mới hàng ngày và với từng quy tắc ngữ pháp sẽ có một ngoại lệ biện chứng hoặc động từ bất quy tắc. Cho đến khi người học đạt được sự trôi chảy như người bản địa, thì sẽ luôn có một mức độ của sự mơ hồ.


Những học viên có thói quen hễ cứ nhìn thấy một từ mới là tra nghĩa từ trong từ điển thay vì đoán ý nghĩa từ ngữ cảnh có thể cảm thấy căng thẳng và mất phương hướng. Cuối cùng, họ có thể sao nhãng việc học ngoại ngữ vì thất vọng. Đó là một lối suy nghĩ khó phá vỡ, nhưng những bài tập nhỏ có thể giúp bạn dần thay đổi lối suy nghĩ này. Hãy tìm một bài hát hoặc văn bản trong ngoại ngữ mà bạn đang học và thực hành việc đoán ý chính, ngay cả khi có một vài từ bạn chưa biết.


6. Áp dụng một phương pháp học duy nhất


Một số học viên được thoải mái nhất với kỹ năng nghe và nhắc lại. Một số người khác thì cần cuốn sách giáo khoa ngữ pháp để tìm hiểu ý nghĩa của tiếng nước ngoài. Mỗi phương pháp tiếp cận này thì đều tốt, nhưng sẽ là một sai lầm khi bạn chỉ dựa vào một phương pháp.



Người học ngoại ngữ cần sử dụng nhiều phương pháp để thực hành các kỹ năng khác nhau và xem những khái niệm được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Hơn nữa, sự đa dạng có thể tránh cho người học không bị mắc kẹt trong một lối mòn của việc học.


Khi lựa chọn một lớp học, học viên nên tìm kiếm một khóa học trong đó bạn có thể thực hành cả 4 kỹ năng ngôn ngữ (đọc, viết, nghe và nói). Để tự học, hãy thử một sự kết hợp dùng sách giáo khoa, các bài học âm thanh, và các ứng dụng học ngoại ngữ.


7. Mặc cảm về tuổi tác


Học ngoại ngữ ở bất cứ độ tuổi nào cũng không là quá muộn. Chỉ cần có ý chí là hoàn toàn có khả năng làm chủ các thứ tiếng. Nếu ai có mặc cảm về tuổi tác thì hãy chọn cho mình một lớp học mà học viên có lứa tuổi tương đương.


Các chuyên gia tâm lí học cho rằng:


- Đừng quá tập trung vào vấn đề tuổi tác


- Đừng đi học ngoại ngữ với một tham vọng lớn. Hãy cố gắng coi việc làm này là một trò chơi và khai thác thật nhiều niềm vui từ đó


- Bạn nên rèn luyện trí nhớ, cố nhồi vào đầu lấy một số từ và bạn sẽ thấy rằng sự tiến bộ tự nó sẽ đến.


- Hãy tìm kiếm phương pháp phù hợp với mình nhất và kiểm tra xem khi nào bạn nhớ được nhanh nhất. Nếu bạn là người có kĩ năng nghe tốt hơn các kĩ năng khác thì các cuộc thảo luận, đàm thoại là tốt hơn cả đối với bạn.


8. Sốt ruột vì không thấy mình tiến bộ


Học ngoại ngữ độ 2 năm đã thấy sốt ruột thì đó là một sai lầm. Đơn giản học ngoại ngữ là một quá trình dài hơi. Để nắm được một ngoại ngữ ở trình độ đọc báo khá thoải mái hoặc hiểu các đoạn đối thoại trong phim, người học cần nhiều thời gian hơn thế. Vì vậy:


- Đừng vội đổ lỗi cho năng khiếu ngoại ngữ của mình.


- Nếu ai đó cho rằng nhịp độ học của mình quá chậm thì hãy yêu cầu đẩy nhanh nó lên.


- Đừng gói gọn việc học trong những giờ lên lớp và đừng vội từ bỏ việc đọc những cái ngoài sách giáo khoa.


-  Không nên đặt cho mình một “mức xà” quá cao.


- Chủ nghĩa cầu toàn là cái cần khắc phục.


- Sự chăm chỉ và ý chí sắt đá cần hơn bao giờ hết.


- Đừng quá tập trung vào hiệu quả vì ở giai đoạn đầu học tập, sự tiến bộ thường là nhanh nhất, còn giai đoạn sau đó, với thời gian - chậm dần.


- Cái gì cũng cần phải có thời gian.


Những trở ngại trên hầu hết là những nguyên nhân khiến bạn không học tốt ngoại ngữ được. Hãy nhận biết và loại bỏ chúng để tiến tới gần hơn với một ngôn ngữ mới nhé!


Ann (st)

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn