Hội diễn FPT 2004: các nhà hát đã hướng tới chuyên nghiệp

Chủ đề “FPT Gene” thuộc dạng khoai, khó khai thác, thêm luật lệ “cấm nói” quái chiêu của Viện Hàn lâm lại bị kiềm tỏa trong các quy định về văn hóa ứng xử “3 không” mới ban hành..., nên trước giờ công diễn, nhiều người đã lo cho “chất lượng” của các vở diễn năm nay. Tuy nhiên, sau đêm 13/9, các nhà tổ chức cũng đủ tự tin để thở phào, trừ một số sự cố về khâu tổ chức hậu trường và MC - vốn vẫn là “gót chân Asin” của các hội diễn. 


Đa dạng trong phong cách thể hiện


Năm nay, với những quy định ngặt nghèo của Viện Hàn lâm, tưởng các đội sẽ bị trói chân, chặt tay, nhưng đó lại là chất xúc tác mạnh để sáng tạo. Nếu so sánh với các kỳ hội diễn gần đây (trừ năm 2002 các đội quá xuất sắc và đều tay) thì đêm 13/9 lần này, khán giả được chứng kiến các màn trình diễn tương đối phong phú, theo nhiều trường phái khác nhau. 


Mở hàng cho đêm diễn, FMB đã làm cả hội trường ồ lên với màn công chiếu bộ phim “Gene du ký” của hãng phim FMB Pictures, tuân thủ tuyệt đối quy định “cấm khẩu”. Đây có lẽ là lần đầu tiên một nhà hát đưa được loại hình nghệ thuật điện ảnh lên sân khẩu STCo. 


Chỉ trong sân khấu nhỏ hẹp, các nhà hát khác cũng nỗ lực trình diễn tác phẩm của mình theo các lối thể hiện riêng, vận dụng đủ các tích cổ, trung và hiện đại, dân gian và quốc tế. Khán giả được trải qua các không gian sân khấu kim cổ, đông tây thay đổi liên tục. FSoft với vở “Trương Gia bị xiềng”, dựa theo tích “Promete bị xiềng” gây choáng váng khi trưng ra khung cảnh cung điện La Mã cổ đại cực kỳ hoành tráng, với một bức tranh thần Dớt làm nền cao gần 5m và dàn diễn viên trong vai 7 vị thần đứng như tạc tượng. 


Ngay sau đó, FSS lại đưa mọi người về khung cảnh làng quê nước Việt với bác nông dân đầu quấn khăn mỏ quạ, chân đi đất bên cái vại nước. Tiếc rằng, do hơi tham lam, FSS đã khiến mọi người chóng mặt với các màn chuyển cảnh mà không có sự nối kết hợp lý: Cảnh nông thôn xa xưa với các bà, các chị tất bật thúng mủng; cảnh bắt bớ của các quan Tây thời chống Pháp và cảnh “đọ giống - kén rể” của thời Vua Hùng mà có hẳn chàng phò mã dự bị ăn vận hiện đại. 


Một tiết mục dự thi tham dự Hội diễn FPT "Gene" 2004


Tiết mục nối tiếp của FOX theo lối hàn lâm - vở nhạc kịch mô phỏng một đoạn trong bộ phim Pay day của Charlie Chaplins. Chỉ giới hạn trong khung cảnh một quán bar, các diễn viên của FOX đã tài tình giữ được sự chú ý của người xem qua diễn xuất dung dị, biết tiết chế vừa phải, nhất là diễn viên kỳ cựu KhoaNV. 


Đội quân “thày trò Đường tăng” nhà FIS lại gây cười ngay từ lúc bước ra sàn diễn, với màn cưỡi patin đi thỉnh kinh của Đường tam tạng. Với cảnh 4 thầy trò chiến đấu chống lại sức cám dỗ của đội “Tây lương nữ quốc” và đoạn giảng kinh Gene để thu phục lũ yêu tinh, thêm một lần nữa, FIS khẳng định thế mạnh truyền thống là khả năng cá nhân và lối diễn hài hước, sinh động.


Liên quân FHO năm nay tung ra một loạt nhân viên mới trong vở diễn có bối cảnh trải dài từ thời vua Hùng ở nước Việt sang thời nữ hoàng Ai Cập cổ đại, đến đất nước Afganistan thời hiện đại. Kịch bản tương đối tạo điều kiện để các nữ nhân viên mới của FTD, FSC, FTT, FCC, FQA... khoe bụng trong trang phục của các cung nữ và các chàng trai cũng có dịp trưng cơ bắp trong bộ quần áo thời sơ khai. Trong khí đó, FPC thì “hiền lành” hơn hẳn, đúng tâm lý của đội quân lần đầu tiên xung trận. Suốt cả màn diễn chủ yếu là cảnh cưỡi chổi chạy ra - chạy vào của mụ phù thủy, được đóng khung trong bộ đồ đen kín mít từ đỉnh đầu đến gót chân. Vai diễn những người đàn ông cũng “ngoan ngoãn” không kém, hầu hết đều phục sức kín đáo: áo đuôi tôm , áo vest hay áo the khăn đóng... Đối lập với màn trình diễn có phần đơn điệu của Elead là tác phẩm công phu của FDC – “Chuyện Ngũ hành”, còn gọi là “Chuyện 5 củ hành”, một sự kết hợp khéo léo giữa hai sự tích “Thằng Cuội” và “Ai mua hành tôi”... huy động tới trên dưới 70 diễn viên lên lấp đầy diện tích sân khấu Cung Văn hóa.


Những điểm sáng trong đêm diễn


Bị cấm nói trong quá trình diễn, nhiều nhà hát đầu tư vào lời giới thiệu như một cách thức tạo thêm sức nặng cho tác phẩm. FMB mở màn đoạn phim với FMB Warning đúng kiểu các tác phẩm điện ảnh của Hollywood "Nếu xem xong đoạn phim này mà bạn vẫn không hiểu gì thì đừng lăn tăn. Gene là vậy". FOX đánh đúng tâm lý khán giả và tranh thủ được không ít cảm tình khi rào đón "... một thứ không hiểu mà vẫn phải học, phải thuộc". Cáo già hơn, FDC khiến mọi người phải chú ý ngay với lời demo kiêu hãnh: "Vở diễn đã trở thành tác phẩm kinh điển ngay từ lần công diễn đầu tiên vào ngày 13/9/2004”.


Hội diễn lần này cũng ghi nhận nhiều sáng tạo của các đoàn trong việc sử dụng âm nhạc. "Trừ một số đội còn non nớt như FHO, FSS, FPC lắp ghép nhạc theo kiểu ngẫu hứng, các vở diễn nói chung đã thể hiện trình độ phối ghép nhạc tương đối chuyên nghiệp" - Chủ tịch Viện Hàn lâm Nguyễn Thành Nam gật gù. Đoạn nhạc dạo đầu chậm rãi với những tiếng “xịch, xịch...” khoan thai trong “Gene du ký” đủ kích thích cảm giác chờ đợi đến sốt ruột trước khi xem phim. Cảnh đoàn đi tìm kinh Gene kéo xe dưới trời tuyết được tăng sức ép-phê lên bội lần với tiếng nhạc trầm hùng, đặc biệt scene “anh BìnhTG giảng giải ý nghĩa của hành trình tìm Gene” với những hình ảnh review được lồng trong âm thanh êm dịu như hoài niệm rất giàu chất cine...


FSoft cũng khá có nghề trong những đoạn xử lý âm thanh. Tiếng nhạc bi thương khi nhân vật Trương Gia bị treo cổ và đoạn nhạc kịch tính: dồn nén rồi bùng nổ của bản giao hưởng số 5 của Bethoven cực kỳ phù hợp với khung cảnh hoành tráng lúc đoàn côn trùng túa ra theo cấp số nhân. Anh QuânNA - FCC thú nhận: “Lúc ấy mình lạnh hết cả sống lưng”. FOX cũng không hề kém cạnh với phần nhạc trí tuệ hợp với nội dung vở diễn. Cuối cùng phải kể đến FMB với sự kết hợp tài tình giữa các kiểu âm thanh: Dân ca – Giao hưởng - Nhạc chuông Nokia. Cũng dùng bản “Định mệnh” của nhà soạn nhạc thiên tài người Đức như FSoft nhưng FDC phối theo phong cách opera rock. Trường đoạn gõ mõ tụng kinh xuất thần của Cuội với những tiếng “Nam mô sâu sáng tuyệt thông phong” đảm bảo sẽ còn được nhắc đến mãi sau này.


Tuy nhiên, với đa phần khán giả thì gây không khí nhất vẫn là các chi tiết thú vị và hài hước. Đây cũng chính là chất STCo không thể thiếu trong bất kỳ hội diễn nào. 


Hội trường Cung đêm 13/9 đã nhiều lần vang lên những tiếng vỗ tay tán thưởng và những tiếng cười sảng khoái phụ họa theo các màn diễn. FMB đã khiến hơn 1000 người cười ầm ĩ khi để lời phụ đề “Woo, xem hắn nâng tạ bằng cái gì kìa” cho nhân vật nữ tuyển người (HiềnNM đóng) và màn anh BìnhTG quảng cáo “... Đã có Gene. Hãy thử một lần rồi xem. Sách có bán tại 89 Láng Hạ. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”. Trong màn diễn dài vượt gấp đôi thời gian quy định của FSS cũng có một vài đoạn diễn gây chú ý như cảnh đỡ đẻ cho lão nông hay phần tỉ thí của 2 chàng phò mã. Diễn viên chính của FIS (HiếuTC) thì gây bất ngờ với đoạn nhảy và hát theo lối hip-hop bài “Chuyện nhỏ”, đặt lời 2 nhái theo bài hát của nhạc sỹ Tuấn Khanh. Nhà hát FHO cũng làm xôn xao ít nhiều khi các cung nữ tranh thủ mang lễ vật xuống hàng ghế giám khảo lobby.


Bảo tàng FPT (2004)

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn