Chị tôi

Tâm huyết với một hoạt động phong trào do chính mình tổ chức, tôi hăng hái vào phòng chị thuyết phục chị tham gia. Chị chẳng đợi cho nói hết, thủng thẳng phán: “Làm phong trào mà toàn thấy sếp này, sếp kia thì dẹp đi cho rồi!”


Niềm tin của tôi được dội một gáo nước lạnh. Vẫn biết chị là người thẳng thắn, nhiều lúc đến tàn nhẫn, đã nhiều lần nghe chị chửi nhưng vẫn thấy lần này nặng nề quá. Chị nói, là có lý của chị, nhưng tôi lại không có lý của tôi, hay đúng hơn lý của chị mạnh hơn lý của tôi.


Cứ như thế, đám đàn em FPT HCM hầu như đứa nào cũng mang tâm trạng: Thích gặp chị nhưng cũng ngại gặp chị. Gặp chị, chúng tôi hiểu về văn hóa FPT, hiểu về các “ông sao” của công ty và cả mặt tối của họ, gặp chị để thấy sự phức tạp của công ty được đơn giản hóa đến dễ bỏ qua. Nhưng, gặp chị cũng là để nghe “chửi”, nghe những lời như xát muối. Chị nói thản nhiên, như đã suy nghĩ từ lâu về người đối diện trước khi gặp họ.


“Nhiều người ghét, nhưng người quý chị nhiều hơn”, chị vẫn nói vậy: Có nhiều người ghét, nghĩa là chị biết người ta ghét chị và phần nào tự hào vì có người ghét mình. Tính cách chị mạnh mẽ và quyết đoán nên chắc chắn lũ đàn em của chị ít nhiều cũng ca ngợi chị, nịnh chị. Nhưng họ lầm, chị không dễ bị người khác phỉnh mũi. Đôi khi tôi cũng nịnh chị một vài câu, nhưng chị đập lại ngay, không phải kiểu: “Chú cứ nịnh chị” hay “Chị chả dám vậy đâu”, kiểu phủ nhận nhưng ngầm khẳng định. Chị thường đập lại bằng lý lẽ khiến những câu nịnh trở thành vô duyên, đôi khi trơ trẽn. Lần sau thì chừa.


Chị Phạm Thị Thanh Toan - nhân vật được đề cập trong bài viết của tác giả NamTS

Vào công ty từ năm 30 tuổi, cử nhân Luật có cái tên đọc lên đã thấy vị chua của chanh, khế là một trong những công thần xây dựng FPT HCM từ những ngày đầu. Chánh Văn phòng kiêm nấu ăn, kiêm thủ quỹ, kiêm phong trào và kiêm nhiều thứ nữa. Sang thì gọi là quản gia, riêng chị vẫn tự gọi mình là chân “rửa bát bế em” cho FPT HCM từ những ngày chi nhánh còn nhỏ. Gần 13 năm gắn bó với HO, chị đi theo “tiếng gọi của trái tim” về với FPT Tel từ năm 2006. Sự ra đi của chị không ồn ào, phần vì chị tâm niệm: Đi đâu cũng là “rửa bát bế em” cho FPT cả, phần vì nó diễn ra trong suốt một thời gian dài. Thế nhưng chúng tôi tưởng như vẫn thấy bóng dáng của chị đâu đây ngay cả khi hàng tháng chị không gặp chị ở FHO. Chiếc ghế của chị để lại to nhất sau ghế GĐ, chả ai ngồi, cho đến khi cho vào kho và thành chỗ ngủ cho bọn hay thức đêm của FHO.


Ai đó nói chị không đàn bà, tôi thấy chị đàn bà ghê ghớm. Chị ghét ai thì người đó khó có cơ hội cải thiện được hình ảnh trong mắt chị. Dù người đó có cố gắng đến đâu. Chị ghét ra mặt, và không ngại ngần kể điều đó với mọi người. Những luận điểm chị đưa ra để chứng tỏ cái sự ghét ấy nó thuyết phục đến nối khó mà không đồng tình với chị được. Chị hay tham chiếu từ góc độ đóng góp với công việc: “Người đó làm gì cho công ty? Người đó thực sự đã đóng góp gì? Người đó đã “phá” như thế nào?”.


Chị làm nhân sự nên tiếp xúc với nhiều hạng người, thế nên chị tự nhận: “Hạng nào cũng chơi được”. “Chơi” theo ý của chị là làm việc được, chịu đựng được. Chứ còn bạn của chị thì hơi khó. Gần đây, chị hay đi với một nam ca sỹ nổi tiếng và một ngôi sao của làng người mẫu thời trang Tp HCM. Mấy đứa đàn em cười rinh rích bảo chị đang “hồi xuân”. Nhưng rốt cục thấy anh chàng đẹp trai đi chơi với cả con chị thì bọn chúng ỉu xìu. Chị bảo chơi với nghệ sỹ cho đời nó tươi trẻ còn bọn Tổng hội thì lại bảo chị mượn họ làm PR cho công ty. Chả biết thực hư thế nào nhưng nhiều hội hè FPT được vinh dự nghe miễn phí giọng ca nổi tiếng và tất nhiên, các cô được trò chuyện với người mẫu nổi tiếng như người nhà.


Không ít người đã từng gắn bó với công ty như gia đình và hết sức cho công ty, nhưng chị khác biệt ở điểm là một số “lão thành” đã có nhiều người “xõa cánh”, nhiều người “tắt lửa”. Còn chị, niềm say mê với công ty chưa hề vơi cạn sau 15 năm gắn bó. Cứ ngồi nghe chị bức xúc về cơ cấu tổ chức của công ty, “chửi” người này, “rủa” người kia là thấy chị còn nguyên tình cảm với tổ chức chị đã gắn bó từ khi mới ra trường. Chị bảo 80% thời gian dành cho công ty, 10% dành làm của riêng, chỉ có 10% dành cho con cái. Con các sếp FPT đi du học này nọ, chị không phải là nghèo nhưng cả hai đứa đều “du học nội” cả hai. Hỏi tại sao, chị trả lời: Phải tự lập và tự quyết định, đó cũng là cách chị trưởng thành.


Viết về chị cũng như ngồi trò chuyện cùng chị, cả ngày không hết. Nghề nhân sự cho chị thói quen lắng nghe và biết đủ thứ chuyện nhưng chưa bao giờ thấy chị than mệt mỏi hay nản lòng vì những “điều ong tiếng ve” rót vào tai chị hàng ngày. Chán mà không nản, giận mà không hờn, nên chị vẫn là chị, nỗi buồn phiền của các sếp thích “bùi tai”, sự sợ hãi của những nhân viên không thẳng thắn và là niềm vui của những người FPT muốn sống theo cách của người FPT. Chị vẫn là chị: Chị tôi.


Bảo tàng FPT (2008)

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn