Viện sĩ STCo Hoàng Nam Tiến đi mây về gió

Không đơn giản chỉ là những chuyến đi, bung dù nhảy hay tập lái máy bay, đối với anh TiếnHN việc gắn với bầu trời còn là để nối dài những giấc mơ.


Thử tưởng tượng, bạn sẽ lên máy bay, “leo” tới độ cao 1,000m rồi… thả mình vào không trung, cảm giác rơi vùn vụt đáng sợ. Rồi dù bung, bạn rơi chậm lại, và cảm giác của bạn về xung quanh trở nên rõ ràng, mạnh mẽ hơn…


Trong không gian bao la ấy, bạn thấy mình bé nhỏ và cô đơn, nhưng là một nỗi cô đơn đầy hưng phấn và kiêu hãnh, vì bạn đang “bay”, đang chu du và nhìn ngắm thế giới như cách của loài chim. Rồi khi tiếp đất, bạn sẽ ước, giá như khoảng thời gian rơi ấy kéo dài mãi. Tuyệt vời phải không?


Nhưng ở FPT, không nhiều người có được trải nghiệm thú vị ấy như TGĐ FPT Land và FPT Hòa Lạc, anh TiếnHN.


Khi giới trẻ bây giờ mới “phát sốt” lên vì nhảy dù, thì hai mươi lăm năm trước, khi 15 tuổi, anh TiếnHN đã được thử trò chơi nhiều “adrenaline” này. Lúc ấy, như anh nói, tụi trẻ con chẳng có gì để chơi, ngoài việc đá bóng hoặc đi bơi mỗi buổi trưa, nên khi CLB Hàng không thuộc Binh chủng Phòng không - Không quân tổ chức lớp học nhảy dù, anh và hội bạn hăng hái đăng ký tham gia ngay.


Hồi đó, phương tiện nhảy dù còn thô sơ, học viên phải sử dụng dù của Nga, nặng khoảng 20-21kg và rất khó điều khiển. Tuy nhiên, những điều đó không làm mất hứng thú của chàng thanh niên TiếnHN, vì như anh miêu tả: “Khi rời máy bay lao ra ngoài ở độ cao 800-1,000m, gió ập vào mặt, lạnh buốt, gào rú điên cuồng, khiến tay chân lạnh cóng, nhưng bù lại cảnh sắc phía dưới đẹp mê hồn, với những cánh đồng trải dài hút tầm mắt, chia thành những mảng màu nâu sẫm, xanh nhạt, xám vàng”.


Học viên nhảy dù sẽ quay lưng lại, giang hai tay ra, đi lùi và “bước” ra khỏi máy bay. Nghe thật đơn giản, song đến lúc vào cuộc, lồng ngực những người nhảy lần đầu thường gần như vỡ tung vì hồi hộp... Ai cũng chần chừ do dự, và cuối cùng thì huấn luyện viên sẽ “giúp”, bằng cách đẩy nhẹ vào chiếc ba lô, thế là ai nấy đều “ra” hết. Cú đẩy đó giống như phủi sạch những ngập ngừng, bồn chồn, lo lắng.


Ra khỏi máy bay, mặt đất, bầu trời, rồi chiếc trực thăng, tất cả quay lộn nhào trong tích tắc. Nhưng chỉ một chút sau, mặt đất đã ổn định phía dưới. “Khi nghe tiếng của huấn luyện viên và một cú chạm nhẹ vào người ra lệnh, tôi nhắm mắt nhảy ào ra. Khi lo sợ qua đi, thật tuyệt khi chơi vơi giữa trời với tốc độ rơi 140- 160km/h, cảm nhận được từng sợi dây tuột dần phía sau lưng khi dù bung”, anh TiếnHN nhớ lại.


Anh Tiến năm 1991

Cảm giác đó, theo anh Tiến, khó có thể diễn tả được bằng ngôn ngữ thông thường. “Nhảy dù vô cùng đặc biệt, cảm giác nhảy dù lần đầu tiên còn “phê” hơn cả “ấy” lần đầu tiên”, không chỉ anh Tiến, mà hầu hết dân nhảy dù đều ví von chung như thế.


Nhưng, để có trọn vẹn cái cảm giác ấy, anh Tiến cũng phải nghiêm túc thực hành để nắm vững và thuần thục các động tác cơ bản gồm rời cửa máy bay, điều khiển dù và tiếp đất. Đây là 3 động tác quan trọng đối với người nhảy dù, chỉ cần một sai sót nhỏ là có thể gặp không ít nguy hiểm như dù vướng vào máy bay, xoắn dây dù, dây dù vắt qua đỉnh vòm dù, dây dù vướng vào chân, hay người nhảy dù phía trên rơi vào đỉnh vòm dù người dưới, người trên chui vào dây dù người dưới.


Đặc biệt, động tác tiếp đất cũng rất quan trọng, quyết định người nhảy dù có an toàn và thành công hay không. Tiếp đất không chuẩn có thể khiến người nhảy dù bị trầy xước, gãy chân, chấn thương…


Anh Tiến cho biết, trong một trăm lần, thế nào cũng có một lần gặp sự cố. Có những sự cố khiến người nhảy bỏ mạng. Bản thân anh Tiến, sau gần 10 năm nhảy dù (từ năm 1984 - 1993), cũng hai lần gặp “nạn”. Lần trật khớp nặng do lái dù vào phía lò gạch khiến anh phải bó bột cả tháng trời, và đây cũng là lý do khiến anh phải tạm dừng chơi môn thể thao này. Bởi tham gia nhảy dù người nhảy bắt buộc phải có thị lực tốt, chưa bị gãy xương bao giờ, không có bệnh về tim mạch hay thần kinh.


Năm 1993, nếu không vì cơ duyên với FPT, có lẽ Việt Nam sẽ có một cơ trưởng hay phi công Hoàng Nam Tiến thay vì một TGĐ FPT Land và FPT Hòa Lạc.


Giờ đây anh TiếnHN đã bị “gắn chặt” vào mặt đất nhưng đam mê với bầu trời vẫn đau đáu trong anh, “lâu lâu vẫn nằm mơ thấy”. Người ta bảo, đã “táy máy” môn này là thế nào cũng nghiện. Khi xuống mặt đất nhịp tim bình thường trở lại, là lúc bắt đầu cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó, thầy bồn chồn, thấy muốn quay trở lại ngay lập tức, muốn được cảm thấy cái tốc độ điên cuồng hay tiếng gió rú rít gầm gào.


Vì vậy, tuy sau lần bị trật khớp anh TiếnHN không còn được tham gia những cuộc nhảy dù ở Việt Nam nhưng mỗi khi có dịp anh lại “lén lút” đi nhảy dù cho đỡ… ghiền.


Từ năm 1998, anh Tiến đã “tranh thủ” nhảy thêm vài lần ở Mỹ và Úc. Anh bảo, ở Mỹ có hẳn những sân bay chuyên để nhảy dù và những khu vực được phép nhảy dù gọi là Drop Zone. Thậm chí, chỉ cần dừng chân tại đó khoảng 1 giờ, bất cứ người bình thường nào cũng có thể nhảy dù, với điều kiện sẽ có huấn luyện viên đi kèm. Chi phí cho mỗi lần nhảy tới 200 USD, trong khi đó ở Việt Nam chi phí cho cả khóa học chỉ khoảng vài ba triệu.


Đã biết anh Tiến thích nhảy dù, mới đây tôi còn biết anh có sở thích là lái máy bay. Sở thích ấy đeo đẳng anh từ khi còn là một cậu thiếu niên. Anh nói, nếu ngày đó không đỗ đại học, có lẽ anh đã trở thành phi công.


Tuy nhiên, 25 năm sau, ước mơ được lái máy bay của anh cũng đã trở thành hiện thực. Trong năm 2008, anh có dịp tham gia một khóa huấn luyện lái máy bay ở Úc. Cũng tuyệt vời, song cảm giác được điều khiển một cỗ máy đồ sộ bay trên bầu trời khác hẳn với cảm giác nhảy dù trước đây, anh chia sẻ như vậy.


“Giả sử, giá cổ phiếu FPT vẫn còn ở mức 672,000 VND thì có lẽ tôi đã sở hữu một chiếc máy bay riêng như ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai”, anh Tiến hài hước nói. Nhưng không cần đến chiếc máy bay riêng ấy, các ước mơ của anh đều đã cất cánh.


Bảo tàng FPT (2009)

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn