FPT đồng hành 'Nối vòng tay thương' hỗ trợ trẻ mất cha, mẹ do dịch Covid-19

FPT cam kết tham gia Chương trình đỡ đầu chăm sóc, bảo trợ trẻ em đến năm 18 tuổi tại hệ thống trường phổ thông của FPT với mục tiêu mong muốn có thể tiếp nhận 1.000 em theo học, thời hạn 20 năm tại các địa điểm do Tập đoàn sắp xếp, trước mắt là tại Đà Nẵng.

Đại dịch Covid-19 đang gây ra nhiều tổn thương nghiêm trọng về kinh tế - xã hội, mà một trong những hệ luỵ đau lòng nhất là nhiều trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi. Theo thống kê của Cục trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội từ báo cáo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và xã hội của 30 tỉnh, thành phố, đến ngày 1/10, đã có 2.091 trẻ em và người chưa thành niên đến 17 tuổi mồ côi cha mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc do đại dịch covid-19. Con số này chỉ là một phần của bức tranh toàn cảnh nhiều màu xám, khi đại dịch vẫn đang hoành hành trên khắp cả nước.

Các em không chỉ cần được hỗ trợ về nhu cầu vật chất trước mắt, mà còn cần được dìu dắt, chăm sóc dài lâu, có một mái trường để học tập, rèn luyện, từng bước trưởng thành, hoàn thiện bản thân. Để làm được điều này, Chính phủ, các cơ quan đoàn thể, cũng như cộng đồng phải chung tay xây dựng chương trình đồng hành bền vững.

Chủ tịch Trương Gia Bình tại chương trình Nối vòng tay thương

Đây là lý do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với FPT và các đơn vị đồng hành tổ chức Chương trình “Nối vòng tay thương" nhằm chăm lo, bù đắp yêu thương cho những em nhỏ phải chịu thiệt thòi vì Covid-19. FPT cam kết tham gia vào Chương trình đỡ đầu chăm sóc, bảo trợ trẻ em đến năm 18 tuổi tại hệ thống trường phổ thông của FPT với mục tiêu mong muốn có thể tiếp nhận 1.000 em theo học, thời hạn 20 năm tại các địa điểm do Tập đoàn sắp xếp, trước mắt là tại Đà Nẵng.

Cam kết này bao gồm việc FPT sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí sinh hoạt, học tập, nội trú cho các em từ 6 tuổi đến năm 18 tuổi; đào tạo các em trong hệ thống trường phổ thông liên cấp của FPT, tiếp tục hỗ trợ nếu các em có nguyện vọng học lên cao tại FPT. Tại đây, các em sẽ được yêu thương, chăm sóc, được trang bị đầy đủ kỹ năng, rèn luyện và phát huy các khả năng.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn tạo ra một môi trường để các em được học tập, rèn luyện, biến đau thương thành sức mạnh, từ đó trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội. Tại đây, các em sẽ được yêu thương và học cách yêu thương, trả lại cho đời. FPT đang nỗ lực phối hợp với Trung ương đoàn, Quỹ hy vọng, những người bạn lớn như Tập đoàn Thiên Long và các đơn vị, tổ chức đoàn thể khác chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để sớm đón các em nhập trường”.

Anh Nguyễn Ngọc Lương phát biểu tại buổi lễ phát động chương trình.

Về phía Trung ương Đoàn, cơ quan này sẽ phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và xã hội, chính quyền địa phương, cùng các bên liên quan rà soát, thống kê danh sách các em học sinh mồ côi do đại dịch, giới thiệu thông tin về Chương trình và Trường FPT tới các em và người thân (người giám hộ), lập danh sách các em có nhu cầu, nguyện vọng được học tại trường do FPT thành lập và được sự cho phép của người thân/người giám hộ..

Anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Đồng đội Trung ương chia sẻ: “Sẽ thật lâu nỗi đau mất bố, mất mẹ mới phần nào dịu bớt, nhưng hành trình của các em sẽ không bao giờ đơn độc, vì sẽ luôn có những vòng tay yêu thương, đùm bọc đến từ các anh chị cán bộ, đoàn viên, thanh niên, từ các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng và xã hội, đồng hành cùng các em vượt qua những ngày gian khó, cùng nhau tiếp lửa yêu thương để chung sức dựng xây tương lai tốt đẹp cho tất cả các em”.

Nguồn: Chungta



Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn