STCo trên sân khấu

Cội nguồn của văn hóa STCo là những sáng tác quần chúng, được truyền miệng hoặc truyền tay nhau qua những bữa ăn, chén rượu, những lần tâm sự, tán phét.


Văn phong STCo mang đậm sắc thái dân gian: Hóm hỉnh, sâu sắc và đặc biệt hết sức gần gũi với cuộc sống của từng con người, của FPT. Tuy thế, không ít người FPT, trong lúc ôm bụng cười khùng khục vẫn cho rằng, những sáng tác STCo thuộc loại nhảm nhí, vui với nhau thì được còn mang ra công chúng thì chỉ tổ làm cho thiên hạ chê cười.


Những tưởng đã không bao giờ có chỗ cho loại hình nghệ thuật này trên những sân khấu lớn chói lòa ánh hào quang. Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Những nghệ sĩ STCo chân chính đã mang lại không ít phút giây sảng khoái cho khán giả tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Nhân dân TP HCM, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Chèo Việt Nam, Cung Văn hóa Hữu nghị. STCo từng cùng biểu diễn với những nghệ sĩ/ca sĩ/văn sĩ nổi tiếng như Đỗ Hồng Quân, Lại Văn Sâm, Trần Tiến, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Thanh Ngoan, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Dương Minh Đức. STCo cũng đã mang lại những phút giây xúc động cho những nhà chính trị, tướng lĩnh.


STCo không chỉ là văn, là lời hát mà còn là phong cách biểu diễn. Ảnh: C.T, nguồn: Chungta

Bởi STCo không chỉ là văn, là lời hát mà còn là phong cách biểu diễn với cả trái tim và tình cảm chân thật, là sự hết mình, hòa nhập trong mọi sân chơi, là tinh thần Olympic tham gia và cổ vũ. Sân chơi STCo là hiện thân của sự dân chủ dân gian Việt Nam, nơi mọi người đều có thể thi thố kỹ năng của mình nhưng cũng là nơi mà sự đơn điệu, dù là thiên tài cũng không có chỗ thể hiện.


Hãy xem anh Khắc Thành hát, hãy xem anh Bùi Quang Ngọc đá bóng, hãy xem những cô gái biểu diễn thời trang, hãy xem những tác phẩm nghệ thuật. STCo không chỉ là nơi giải thoát khỏi những khó nhọc của công việc. STCo thực sự là hệ quy chiếu mới, ở đó, mọi người thoát khỏi những ràng buộc của tôn ti trật tự của tổ chức để thể hiện mình theo một thước đo mới bình đẳng hơn.


Một thủ lĩnh STCo không nhất thiết phải là người có giọng ca tuyệt vời hay tài kể chuyện siêu phàm. Anh ta phải là người tạo được sân khấu cho tất cả mọi người cùng chơi.


Cuộc thử sức đầu tiên trên sân khấu lớn của STCo là Hội Xuân năm 1993. Thuở đó, FPT quyết định sẽ tổ chức lễ hội ngay sau Tết Nguyên đán để tôn vinh các khách hàng và nhân viên của mình. Địa điểm được chọn lần đầu tiên là Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong giấy mời ghi rõ những tên tuổi lớn như Thanh Lam, Trung Đức. Chưa đến 20h mà nhà hát đã chật kín người.


Tất cả nhân viên FPT được yêu cầu đứng để nhường chỗ cho khách. Đằng sau sân khấu, một đám nghệ sĩ STCo vẫn đang sôi nổi thảo luận về tiết mục biểu diễn mà họ mới nghĩ ra hơn hai tiếng trước đó. Họ chưa bao giờ lên sân khấu, có những người chưa từng một lần biểu diễn trước chỗ đông người như anh Khánh Văn, anh Lâm Phương (hiện là Giám đốc Công nghệ FPT).


Rồi cái gì đến cũng phải đến. Cả lũ chừng hơn chục đứa ăn mặc mỗi đứa một kiểu đã đứng giữa sân khấu chói lòa ánh đèn. Nhìn xuống dưới đen ngòm, chẳng thấy mặt một ai cả. Cũng run, nhưng chỉ một tẹo. Cho đến khi anh Khắc Thành giới thiệu “người đẹp chân lông” Ngô Huy Thọ (hiện là Giám đốc Công ty Song Sinh tại TP HCM), khán giả cười nghiêng ngả. Bây giờ thì không có gì cản được sự xuất thần của các nghệ sĩ. Người đẹp chân lông ra sức ưỡn ẹo theo điệu cò lả:


“Em làm làm máy tính FPT


Chân tay em gầy yếu thân hình thì ốm ho


Tình tính tang, tang tính tình,…


Em suýt yêu anh rồi, nhưng tiếc cho anh rằng, người của anh dây, chẳng được như Tây


Anh cố ăn cho nhiều chớ ham làm xác xơ tiêu điều


Mai mốt anh to đùng thì mau đến đây tìm em”.


Giáo sư Văn, một tay cầm máy notebook, tay kìa thò mãi trong túi quần vẫn chưa tìm ra tờ giấy ghi lời bài hát, vẫn đĩnh đạc bước trên sân khấu:


“Olivetti, tang tình là máy tính đẹp


Máy tính đẹp đang còn gin”.


Nhưng đáng nhớ nhất là khúc xuống xề của Khắc Thành trong vai cây Trúc nhằm ngăn chị Hai mua máy tính của anh Hai Văn:


“Khoan, chị Hai khoan khoan xin hãy dừng tay lại


Để trúc xinh đây xin nhắn nhủ lấy đôi lơ…ời”.


Cả hội trường lặng đi rồi trào lên tiếng vỗ tay vang dậy. Tất cả những lỗi lầm vì sự chật chội, chen chúc, thiếu kính trọng đều được tha thứ hết.


Cả bọn kéo nhau đi ăn đêm trong niềm vui lâng lâng của một lần vượt qua được chính bản thân mình.


Lần biểu diễn đáng nhớ thứ hai là tổng kết Công ty đầu năm 1994 tại Nhà hát Chèo Việt Nam. Nhà hát này hồi đấy mới xây xong còn oai lắm chứ chưa trở thành di tích như bây giờ. “Nhập gia phải tùy tục”, vào nhà hát là phải hát chèo, chứ chẳng lẽ chỉ hát hành khúc.


Cả hội kéo đi xem thử một lần, thấy cũng hay hay. Thế là chúng tôi quyết định phải thâm nhập vào loại hình nghệ thuật này. Diễn viên chèo nổi tiếng Thanh Ngoan được mời đến giảng dạy. Anh Ngọc được phân thổi sáo còn tất cả bọn còn lại (khoảng 20 tên) đều phải thi sơ tuyển giọng hát. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chỉ có mỗi Khắc Thành trúng tuyển. Nhưng có lẽ cô giáo sợ mất nguồn thu nhập nên cũng chấp nhận dạy tất cả.


Đang học ngon trớn được 2-3 buổi, bỗng đùng một cái, chúng tôi được tin cô giáo “đẻ”. Không ai chịu tin, chả nhẽ cô giáo xinh xẻo gọn gàng như thế bỗng nhiên lại đẻ. Hay là cô đẻ trứng? Chỉ đến khi đến thăm cô, thấy thằng cu đang mút vú mẹ chùn chụt, chúng tôi mới chợt hiểu ra sự vĩ đại của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, hạt giống chèo đã được gieo trong mảnh đất STCo màu mỡ, dễ gì mà lụi tàn.


Anh Thành đã lặn lội mời một cô giáo khác, lần này già hơn, chắc chắn không thể đẻ được. Nội dung dạy cũng cụ thể hơn: một tiết mục để biểu diễn được chỉ định là “Xã trưởng Mẹ đốp” chứ không lý thuyết chung chung. Vai mẹ Đốp cực kỳ dễ chọn vì chỉ có Thanh Huyền (trước phụ trách Showroom 89 Láng Hạ) chịu đóng. Vai xã trưởng sau một hồi lựa chọn rơi vào tay anh Điệp Tùng.


Chẳng biết anh chị có phải lòng nhau hay không mà khi diễn trước toàn thể công chúng, không ít người nhầm tưởng họ là diễn viên của nhà hát mà không hề hay biết họ là những nghệ sĩ STCo chân chính, chưa bao giờ hát chèo chỉ trước đó ít ngày. Hình ảnh Xã trưởng Tùng với đôi ria vểnh tít đánh mông vào mẹ Đốp Huyền lẳng lơ bụng chửa vượt mặt mà tán: “Hôm nào mát trời cho ta sang gửi thằng cu” thực sự là một biểu tượng của tinh thần STCo bất diệt.


Cứ thế STCo rong ruổi trong Nam ngoài Bắc, cãi nhau tranh diễn cùng Hồng Nhung, thi tài hát đối cùng Trần Tiến, biểu diễn thời trang cùng Duy Thanh Lập. Lứa chim non STCo đầu tiên đã thực sự chín.


Nữ phiên dịch viên tiếng Anh xinh đẹp giành giải Diễn viên triển vọng trong mùa Hội diễn năm 2012. Ảnh: C.T, nguồn: Chungta


Năm 1995, công ty tách thành các bộ phận, phát triển một cách ồ ạt, gần 200 nhân viên. Các chiến sĩ STCo bị phân tán khắp nơi, hết sức luống cuống. Nhiều người đã vội kêu ầm lên: “Thôi, thế là hết mất tinh thần STCo”.


Đúng lúc tình hình khó khăn đó, các tay gạo cội ong đầu suy nghĩ. Anh Bình tung ra bảo bối: Thi. Theo anh, chỉ có sự cạnh tranh mới mang lại sắc thái mới cho các tay chơi đã có phần bị trì trệ. Thế là Hội diễn STCo được xác định từ ngày 13/9/1996, địa điểm là Rạp Khăn quàng đỏ (Cung Thiếu nhi Hà Nội). Có tất cả 5 đội tham gia Hội diễn STCo lần thứ nhất: HO do anh Bình chỉ đạo; Đài truyền hình TP HCM do anh Châu chỉ đạo; YKU (Cargo và Môi trường) do Hưng “Đỉnh” chỉ đạo; Lahataba (Tầng 3 Láng Hạ) liên doanh giữa FPT IS và FSS (nay thuộc FPT IS) do Nguyễn Minh và Vi Ba chỉ đạo (nay cả hai đều không còn làm ở FPT); FCD do Tô Tuấn chỉ đạo.


Quả thực mà nói thì chúng tôi cũng hơi run. Hồi xưa cả lũ cùng nghĩ mà thấy còn chưa ra gì, bây giờ “tan đàn xẻ nghé” không biết rồi chất lượng sẽ ra sao? Hằng ngày phải tung ra hàng loạt e-mail khen hội này, chê hội kia để kích động tinh thần. Các loại giải thưởng được tung ra với những lời mời chào hấp dẫn để câu khách. Cho đến hai ngày trước khi biểu diễn, khi biết chắc chắn là CargMôi đã hoàn thành đề cương kịch bản Carmen, tôi mới tin rằng tất cả các đội cũng sẽ có gì đó để đưa ra sân khấu. Để hình dung ra không khí trước ngày hội diễn lịch sử đó, mời các bạn xem lại một đoạn quảng cáo “ghê rợn” của Lahataba:


“Láng Hạ tầng 3 đến với STCo 1996 với chương trình Ca – Múa – Nhạc tạp kỹ: Stumblin’ in.


Chương trình được sự tài trợ của Tổng công ty GIAFAFAME, Trung tâm dịch vụ HETHOTHOTI, cùng hãng nước giải khát VINACULU, được sự tham gia của:


– Hai nghệ sĩ “nổi tiếng bét tầng” Nguyễn Thành Nam, Đỗ Cao Bảo.


– Cùng toàn thể các nghệ sĩ “nổi tiếng nhất tầng” (toàn thể nhân viên còn lại ở tầng 3).


Với một chương trình đặc sắc, được dàn dựng công phu, chỉ được trình diễn một lần duy nhất trong năm (13/9), mà cũng chỉ trong có một năm duy nhất 1996. Quý vị sẽ được thưởng thức:


– Claydeman là đinh – Độc tấu đàn… gì đó


– Hà Nội mùa Chim – Đơn ca nữ


– Why don’t we do it in the road? – Đơn ca nam


– Rác Rưởi – Tiết mục hài của cặp danh hài mới nổi


– Gimme a man at the midnight – Tốp ca nữ


– Everything I do, I do it for me – Tốp ca nam


– Chân ai sạch sẽ – Múa, thời trang, tạp kỹ


– Your bird can sing – Đồng ca nữ


– You are my DX4/90 MHZ 8 MB RAM 420 MB HDD 01 FDD 1,44MB CD ROM (QUAD SPEED) MODEM 9600/2400 SPEAKER & MICRO – Đồng ca nam


– Our 20 triệu VND – Đồng ca nam nữ


Mời toàn thể thần dân STCo chuẩn bị thưởng thức”


Rồi hội diễn cũng kết thúc, mọi lo lắng của Ban tổ chức đã trở thành vô ích. Sức sáng tạo của thần dân STCo đã làm nên lịch sử. Đoàn FPT HCM đoạt giải Nhất với tiết mục Đài truyền hình với giọng đọc truyền cảm của Thúy và Châu “Nhỏ” cùng tài diễn xuất của anh Hoàng Minh Châu.


Tuy không đoạt giải Nhất nhưng tiết mục “Carmen trong Hồ Thiên Nga” của YKU đã chinh phục hoàn toàn khán giả, mang lại một trường phái mới – nhạc kịch STCo với tên tuổi của nhà ghép nhạc cổ điển Lê Đình Lộc cùng cú giãy chết điêu luyện của Hưng “Đỉnh”. Lahataba đã trình diễn một màn múa thổ dân độc đáo, tạo tiền đề cho Nguyễn Đắc Việt Dũng sau này sáng tác vở Âu Cơ đẻ trăm trứng đoạt giải Nhất năm 2000. Những làn điệu dân ca tươi tắn của FCD còn trở lại rất nhiều lần trong các hội diễn sau. Và vở kịch câm chuyên nghiệp “Họp giao ban” của FPT HO tiếc rằng sau đó bị thất truyền.


Từ đó, đến hẹn lại lên, mỗi năm các nghệ sĩ trẻ lại vững bước lên sân khấu vào ngày 13/9, tiếp tục nuôi sống mãi mãi tinh thần STCo.


Nguyễn Thành Nam

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn