Phiếm luận: STCo từ đâu đến và sẽ đi về đâu?

Văn hóa STCo còn hay mất? Nóng hay nguội? Duy trì hay thay thế, thay đổi cho phù hợp tình hình mới? 


Không chỉ bây giờ, câu chuyện này đã “nóng” từ thời những năm 199x, khi FPT còn “ai cũng biết mặt ai” và những anh tài STCo đời đầu vẫn còn sung sức nhất. Trong sử ký 10 năm, Thái Thanh Sơn từng phải thốt lên: Hỡi ôi, những Hưng đỉnh, những Thành còi… khi bị sức ép kinh doanh đè vào đầu thì còn đâu chất STCo nữa!? Vậy có phải STCo chỉ phù hợp với một nhóm nhỏ khi các anh còn nghèo, còn tương đối “rỗi việc”? Liệu ngày nay, khi công ty đã thành tập đoàn thì những giá trị nào của STCo chúng ta còn có thể tận dụng và phát huy?


STCo từ đâu đến?


Vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước, ở Trường Tổng hợp MGU - Liên Xô cũ có một nhóm sinh viên người Việt theo học. Họ là những thanh niên ưu tú của thế hệ cuối 5x đầu 6x được nhà nước tuyển chọn và cử sang. Ở đây, trong những ngày ở xứ lạnh xa quê hương, để vơi bớt nỗi nhớ nhà họ đã cùng nhau “sáng tác” rất những truyện hài đầy chất trí tuệ, những bài nhạc chế để hát cho nhau nghe. Về nước, một số lại tụ với nhau ở nhóm Trao đổi nhiệt và chất do anh Trương Gia Bình sáng lập ở viện Cơ. 


STCo là món ăn tinh thần không thể thiếu của người F. Ảnh tư liệu.


Tại đó, như anh Bình kể trong sử ký 10 năm, nhóm này đã có thành tích “phá tan” bầu không khí trật tự, nề nếp vốn đã ổn định bao năm ở một viện đầu ngành. Thay vào đó là văn hóa “mổ bò”. Các thành viên tranh luận, cãi nhau suốt ngày. Việc gì cũng có thể đưa ra để mổ xẻ, tranh cãi được. Đã thế lại còn hay hát bậy và chửi bậy nữa. Những việc này ở một cơ quan nhà nước vào những năm 80, 90 thì quả là một chuyện “tày đình”. Tuy nhiên, chính cái văn hóa “mổ bò” đó đã tạo ra một không khí cực kỳ dân chủ và phát huy sáng tạo. Ai cũng có quyền thể hiện chính kiến, ai cũng có quyền đi tới chân tơ kẽ tóc của vấn đề mà không ngại mất lòng, không cần nể nang né tránh. Cãi nhau để hiểu nhau rồi lại cùng nhau hát nhạc chế, họ lại càng thắt chặt hơn tình đoàn kết và hun đúc khát khao làm giàu. 


Sau này, họ tách ra lập công ty và thu hút thêm nhiều nhân tài về. Ở nơi đó, họ lại càng được phát huy hơn văn hóa “sáng tác”. Đỉnh cao là việc thành lập Viện hàn lâm STCo và phong cho nhau là viện sĩ. Họ “tự sướng” theo kiểu “huân chương ta đúc thật to làm cho lũ kia càng nhìn càng khiếp”. Những “sáng tác” thì được in ấn lưu truyền trong “Sách Đỏ”. Hội diễn STCo hằng năm trở thành đặc sản FPT và luôn có các đạo diễn, diễn viên chuyên nghiệp đến để xin ý tưởng cho Gặp nhau cuối tuần. 


Văn hóa STCo của nhà F nổi tiếng khắp nơi. Người ta xì xào, tò mò, lan truyền những câu truyện hài trí tuệ mang đậm chất FPT (hài FPT), về một công ty có văn hóa lạ, rất khác biệt với phần còn lại của xã hội khi đó. Còn những “antifan” thì nhìn FPT với ánh mắt dè chừng và dành cụm từ “bọn FPT” để ám chỉ một bọn ăn chơi khác người, chơi ngông gắn liền với từ khóa STCo. 


Đặc trưng và giá trị của STCo


16 năm gắn bó với FPT, chưa kể thời gian từ cấp 3 đã được đọc báo Chúng ta bản giấy và thưởng thức đặc sản hài FPT trên mạng Trí tuệ Việt Nam, bản thân tôi cũng có nhiều chiêm nghiệm về văn hóa tập đoàn mình. Theo tôi quan sát, STCo có ba đặc trưng lớn nhất. 


Một là tự do sáng tác và hát nhạc chế mỗi khi hội họp liên hoan với nhau; hai là tự do châm biếm sếp trong các tác phẩm thơ văn nhạc họa và có thể mang hình ảnh lãnh đạo lên sân khấu để pha trò giải trí; ba là tự do tranh luận với sếp, thậm chí cãi sếp như chém chả, cãi lãnh đạo như băm viên mà vẫn được cất nhắc bổ nhiệm. Sau này, đặc trưng thứ 3 còn được phát triển lên thành tự do “ném đá”, tranh luận mổ xẻ những vấn đề nội tại của công ty. FPT Software từng có diễn đàn Chợ dưa (Cucumber), nơi nhân viên được quyền tạo nick ẩn danh hoặc thậm chí mạo danh lãnh đạo để đưa ra ý kiến cá nhân nhiều chiều. Diễn đàn này sôi nổi đến mức người ta phải đóng nó lại vì … nghe chửi nhiều quá rát cả tai. 


Những đặc trưng văn hóa này của FPT không chỉ nổi bật trong bối cảnh những năm 90 khi xã hội mới bắt đầu cởi mở, mà nó còn được tô đâm hơn ở hiện tại khi được đặt bên cạnh phong cách của các tập đoàn lớn khác. 


Các lãnh đạo FPT thường xuyên xuất hiện trên sân khấu STCo. Ảnh: Nguyễn Lê Hoàng.


STCo có nhiều tác dụng lắm. STCo không chỉ là những sáng tác khác người để thể hiện cái “ngông”, cái ngạo nghễ của những người trẻ thông minh. STCo không chỉ để giải trí những ngày ở xứ lạnh xa quê hương hay giải stress những khi làm việc căng thẳng. STCo là một môi trường cực kỳ dân chủ và sáng tạo, nơi ai cũng có quyền thể hiện bản thân, được phát huy mọi tài năng, dù ngông dù dị thế nào chăng nữa. 


Văn hóa FPT với STCo đã tạo ra sự khác biệt đáng kể, thay vì chỉ đặt tập thể lên trên hết thì ở đây lại tôn trọng tính cá nhân và tạo điều kiện cho những tài năng được phát triển. Có lẽ vậy mà FPT đã hội tụ được nhiều nhân tài, thậm chí là những ông “độc dị lạ” mà những nơi khác với văn hóa khác khó lòng dung nạp. 


STCo còn là chất keo gắn kết đồng đội vô cùng hữu hiệu, xóa đi khoảng cách lãnh đạo nhân viên. Hát chế hát bậy với nhau không chỉ lúc vui mà cả lúc buồn, an ủi nhau mỗi khi không giành được hợp đồng. 


Và có một tác dụng rất bất ngờ của STCo, là làm khách hàng mủi lòng. Có câu chuyện kể rằng, một khách hàng Nhật đã từ chối giao tiếp công việc cho đội FPT Software. Nhóm dự án rất buồn và đã rủ nhau đi hát STCo. Họ khoác vai nhau cùng hát “thằng Tây nó tiến thì mình giật lùi”, “người đẹp mũi to”,... Vô tình hình ảnh đó đã đến với vị khách hàng. Ông đã gặp lại trưởng nhóm và bảo: “Thất bại mà chúng mày vẫn khoác vai nhau để hát như vậy, tao thấy đây thực sự là một tập thể đoàn kết và có sức mạnh. Tao nghĩ rằng tao đã giao việc sai chứ không phải chúng mày kém”. Ông quyết định ký tiếp hợp đồng với công ty, hướng dẫn đào tạo cho cách làm việc, và trở thành người bạn, người khách hàng thân thiết của FPT Software và FPT cho đến tận bây giờ. Kể lại câu chuyện này, có lần tôi đã thấy anh Thành Nam rơm rớm nước mắt vì xúc động. 


STCo sẽ đi về đâu?


Như trên đã nói, theo cảm nhận của tôi, có 3 thứ tạo nên STCo, đó là sáng tác và hát nhạc chế để “tự sướng” với nhau mỗi khi tụ tập liên hoan, tự do châm biếm và mang hình ảnh sếp lên diễn hài kịch vào mỗi dịp lễ lớn, cuối cùng là quyền cãi sếp mà mở rộng ra là tự do tranh luận về các vấn đề của công ty. 


Về yếu tố đầu tiên, ngày nay vào bàn nhậu hay mỗi khi tụ tập liên hoan giới trẻ có nhiều lựa chọn khác nên hát nhạc “sáng tác” trong “Sách Đỏ” không còn hấp dẫn nữa. Mà thực tế số người biết hay thuộc các bài hát đó cũng ngày một ít dần. Tuy nhiên, nhạc chế sẽ không mất đi trong văn hóa người FPT, nó vẫn còn xuất hiện với những sáng tác mới trong các kỳ liên hoan, kỷ niệm hay hội họp. 


Trương Quý Hải, Đinh Công Sáng (Sáng "Lòa") và Đinh Tiến Dũng - 3 "lão làng" của phong trào STCo. Ảnh tư liệu.


Tiếp đến là “chế” hình ảnh sếp. Món này thường mang lại những cảm khoái đặc biệt cho đám nhân viên. Đưa sếp lên sân khấu thường thấy vẫn là ở FPT IS và FPT HO. Đặc biệt, FPT HO là nơi thường xuyên nhất với hình ảnh Sáng “Lòa” trong vai anh Bùi Quang Ngọc. 


Cuối cùng là cãi sếp và tranh luận tự do. Có lẽ đây là đặc trưng riêng biệt nhất của văn hóa FPT, nhất là khi đặt cạnh các văn hóa doanh nghiệp khác. Và có lẽ đây là điều mà FPT có thể phát huy mạnh nhất cho cả hôm nay và mai sau. Chúng ta hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho nhân dân được phát biểu ý kiến của mình, đóng góp hoặc thậm chí phê bình một vấn đề nội tại của tổ chức mà không sợ bị trù dập. Nhân dân thì được cái cảm khoái dân chủ tự do, mà lãnh đạo lại có thêm kênh để lắng nghe quần chúng. 


Trên đây là một vài cảm nhận suy tư của tôi về văn hóa STCo. Hy vọng sẽ góp được một phần nào đó để văn hóa đặc trưng này của FPT sẽ được trường tồn. 

Nguồn: Chungta

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn