Văn hóa còn thì tổ chức còn

Có thể nói không đâu như ở FPT chúng ta, nơi mà khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên hầu như không đáng kể, tất cả đều hòa đồng trong các cuộc chơi. Từ việc đá banh, bóng bàn cho tới lê lết ca hát nhậu nhẹt vỉa hè tất cả đều bình đẳng.


Khi đề cập đến một bộ phận, một tổ chức hay một xã hội, chúng ta không thể không bàn đến một khía cạnh vô cùng quan trọng mang tính chất đặc trưng, đôi khi nó còn làm cơ sở cho sự phân biệt, đó là văn hóa. Văn hóa ở đây có thể hiểu là một khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người.


Tập đoàn FPT chúng ta cũng vậy, như một xã hội thu nhỏ, FPT không thể gắn kết và vững mạnh như ngày nay nếu ở đó không tồn tại một nền văn hóa vô cùng phong phú về tinh thần, điều đã góp phần xây dựng FPT trở thành một tổ chức không thể lẫn vào đâu được so với hàng vạn tổ chức đã và đang tồn tại trên mảnh đất hình chữ S này.


Tôi may mắn được gia nhập vào FPT khi mà các hoạt động văn hóa tinh thần đang trong giai đoạn hưng thịnh nhất. Nó đưa tôi hết thích thú này đến ngạc nhiên khác, hầu hết là các sự việc mà chúng ta rất ít gặp hoặc không thể gặp ở các đơn vị bạn. Từ cách phỏng vấn đầu vào, để đàng hoàng trở thành một nhân viên thử việc, các bạn phải trải qua ít nhất bốn lượt thi trước khi bước vào căn phòng lạnh toát với cả một hội đồng phỏng vấn. Nếu như không đủ kinh nghiệm và tỉnh táo, chắc chắn một vé out dành cho bạn ngay khi mũi giày các bạn vừa chạm đến sàn thảm với nhiều cặp mắt khả kính đang dán chặt vào mỗi nhất cử nhất động của ứng viên.


Văn hoá FPT được thể hiện qua nhiều hoạt động đoàn thể đặc sắc, điển hình như hội thao 13/9. Ảnh tư liệu


Ấy vậy mà len lỏi giữa các phiên phỏng vấn lại có những khoảnh khắc relax nhất định với cách đùa dí dỏm của các vị cầm cân. Tôi còn nhớ đợt nào đó có một cậu đang bị dí căng thẳng tột độ thì một vị đã cứu với câu hỏi “Em nhậu được chớ, khoảng mấy chai?”. Một thoáng định thần cậu nhanh nhẩu đáp: “Dạ, khoảng 5 chai anh”. Lại tiếp: “Vậy khoảng thời gian còn lại mọi người uống thì em làm gì?”. “Dạ chắc em ngồi ngủ tạm rồi tính tiếp”, cậu tự tin đối đáp. Từ đó cho đến hết buổi, hầu như cậu đều trôi chảy đáp lời.


Vị giám khảo đáng kính đó sau mười năm đã trở thành Tổng Giám đốc của FPT Services hiện nay. Vẫn với phong cách ấy, sau bao bộn bề cân não bởi công việc là những khoảnh khắc tụ họp, vui đùa quên mình cùng với anh em, luôn truyền cảm hứng vững tin cho mọi người phấn đấu. Và chàng trai tạm ngủ trên bàn bây giờ vẫn đang rất mặn nồng cống hiến. Tuy nhiên, sau gần 10 năm ròng rã, tửu lượng của hắn vẫn còn y nguyên, không thể cải thiện được. Có điều với một vợ một con, hắn không thể ngủ lại trên bàn mà phải mau về pha sữa. Hắn chính là anh Tân “Chuối” đáng yêu của chúng ta.


Cũng vào khoảng thời gian đó, dường như chỉ có FPT chúng ta tổ chức và duy trì việc mỗi sáng thứ Hai đầu tháng là tất cả nhân viên đều tập trung tại trụ sở công ty 41 Sương Nguyệt Anh làm lễ chào cờ. Tiếp đó là bài báo của các sếp lớn về tình hình kinh doanh của các đơn vị thành viên và sau cùng là phần tuyên dương các cá nhân có thành tích tốt về các mặt, trong đó có cả cá nhân nhận phần thưởng về việc tham gia đóng góp tích cực trong phong trào văn hóa đoàn thể.


Có thể nói không đâu như ở FPT chúng ta, nơi mà khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên hầu như không đáng kể, tất cả đều hòa đồng trong các cuộc chơi. Từ việc đá banh, bóng bàn cho tới lê lết ca hát nhậu nhẹt vỉa hè tất cả đều bình đẳng. Khoảng cách càng ngắn thì sự chia sẻ và lắng nghe càng nhiều. Sự gần gũi và chân thành đó dần dà khiến một nhu cầu mới phát sinh và được phát huy tích cực mà người FPT gọi là Văn hóa nói xấu lãnh đạo. Các anh vẫn thường nói ở FPT “nói xấu lãnh đạo là một nhu cầu”. Thật vậy, các anh không những không trách mắng mà còn cổ súy cho nhu cầu này.


Theo quan điểm các anh, những lúc được lắng nghe, được chỉ trích chính là những lúc nhận ra rõ nhất các yếu điểm để hoàn thiện vai trò quản lý hay lãnh đạo của mình. Việc nói xấu ở đây bao hàm cả việc tranh cãi, tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là cách chúng ta nói xấu. Chị kế toán mà không cãi dẫn đến sai số thì tiêu, anh kỹ thuật cấp cao vì đặc thù công việc có thể ngồi đập bàn tranh luận với sếp hay thậm chí mời sếp ra khỏi phòng họp để bảo vệ kiến thức công nghệ của mình với số đông còn lại.


Các bạn ngạc nhiên ư? Tôi cũng thế, nhưng các bạn có hiểu vì sao đến bây giờ nhu cầu ấy vẫn tồn tại không? Xin thưa, câu trả lời rất đơn giản: Tất cả vì đại cuộc. Trước sếp, nếu anh không bảo vệ quan điểm của mình, cái mà anh đã được sếp giao nhiệm vụ phải đào sâu nghiên cứu, hay anh không cầu thị tiếp nhận góp ý về sự hạn chế của mình thì hệ quả ra sao chúng ta đều biết. Và FPT ngày nay không thể vươn mình ra biển lớn nếu không có một phong cách làm việc thẳng thắn và dân chủ như vậy.


Lược sơ vài điểm như trên cũng đủ để dẫn nhập các bạn đi vào thế giới tinh thần đa dạng của công ty chúng ta. Với sự kết hợp nhịp nhàng giữa công việc và vui chơi chúng ta đã xây dựng thành công một môi trường làm việc cực tốt, đủ năng lực đương đầu mọi khó khăn. Không có cách nào chiến thắng các trở ngại gian nan nếu ta không mạnh mẽ đối đầu với nó. Thật vậy, không phải ngẫu nhiên mà tất cả các công ty thành viên của FPT đều chọn ngày 13 làm ngày thành lập. Con số 13 có thể tượng trưng cho các điềm không tốt, nhưng người FPT là vậy, chấp nhận xuất phát điểm với những điều tối tăm u ám để phấn đấu, nỗ lực, biến khó khăn thành cơ hội và rực rỡ thành công. Như anh Hoàng Minh Châu từng nói: “Con đường chúng ta đi không có trạm dừng chân, ai cảm thấy đuối quá thì hãy cố mà chạy”.


Đã nhắc đến anh Châu thì chúng ta không thể nào bỏ qua một đặc điểm nổi bật nhất trong cái gọi là Văn hóa tinh thần FPT. Đó là STCo. Nguyên là Trưởng Ban Văn hóa – Đoàn thể, viện sĩ STCo, anh là người đóng góp công sức nhiều nhất trên mặt trận phát triển STCo. Vậy STCo là gì? Tại sao nó lại quan trọng đến nỗi vào thời của tôi, bạn không thể nào vượt qua 2 tháng thử việc để ký hợp đồng chính thức nếu ở đợt sát hạch sau cùng bạn không biết đến nó.


Về định nghĩa, các cụ bảo rằng STCo nghĩa là Sáng Tác Công Ty, Sáng tác ca, rồi thì Sờ ti cô… Cho đến bây giờ thì mỗi cá nhân nhân viên đều có thể định nghĩa theo ý thích của mình. Có người bảo STCo là hát bậy, là đạo nhạc, có người nói STCo chính là đá bóng kiểu FPT, là kịch, lại có người định nghĩa STCo là ăn nhậu. Riêng tôi chẳng quan tâm tới định nghĩa nó là gì tôi chỉ biết STCo đã mang lại cho tôi và đồng đội sự sung sướng và thỏa mãn tột đỉnh về phương diện tinh thần.


Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, một nhóm sinh viên khoa toán cơ của một trường đại học tổng hợp thuộc khối Liên Xô cũ như anh Trương Gia Bình, anh Thành Nam, Nguyễn Khắc Thành, Nguyễn Thế Hùng … với lòng nhiệt huyết tuổi trẻ, quyết tâm ăn học thành tài để hồi hương xây dựng một công ty hùng mạnh. Trong tư tưởng các anh, muốn thực hiện hóa ước mơ thì tổ chức của các anh phải có một sự khác biệt, khác biệt hẳn với các tổ chức khác. Tôi không biết lúc đó sự khác biệt mà các anh mong muốn là về sản phẩm trí tuệ, là hàng hóa hay một thứ gì đó. Nhưng cho đến bây giờ qua bao sự đổi thay, cái mà thực sự khác biệt với các công ty bên ngoài lại chính là Văn hóa STCo.


Tôi xin phép được lạm bàn về khía cạnh âm nhạc của STCo.


Cách đây không lâu, giới báo chí đã hao tốn rất nhiều giấy mực để phê phán về việc đạo nhạc sửa lời nhiều hát của FPT. Đặc biệt là thể loại nhạc đỏ để rồi đem ra bàn nhậu, đem lên cả sân khấu nhà hát thành phố mà ngêu ngao tiêu khiển. Đến nỗi Tổng giám đốc Trương Gia Bình phải lên truyền hình nhận lỗi về vấn đề này và anh Hoàng Minh Châu cùng các bác đã phải đến tận nhà nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nằm dài trên phản nhận mấy roi chổi lông gà theo phong cách các cụ miền trung răn dạy cháu con.


Tôi với dòng máu chảy STCo trong người, tôi có thể nói STCo chính là ca hát, là sáng tác và ca nhạc theo kiểu FPT, thế thôi! Có văn nghệ, bạn có thể hòa nhập rất nhanh vào một tập thể, dễ dàng hơn trong việc chinh phục các em gái, tự tin trước đám đông. Hơn nữa, cùng nhau ca hát đồng điệu nói lên sức mạnh tập thể với đối tác và bạn bè. Chẳng ai chơi STCo một mình được cả. Tuy nhiên STCo không phải là một mớ hỗn tạp, nếu không có tổ chức nhất định thì hiệu quả của nó mang lại không cao.


Vừa rồi tổ chức UNESCO đã công nhận văn hóa cồng chiêng của Tây nguyên Việt Nam là di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên nếu vác mấy nhạc cụ này lên sân khấu trình diễn thì xem ra vô duyên hết chỗ nói. Nó phải được tổ chức ở Tây nguyên, với lễ hội đâm trâu, hay gì gì đó thì mới thực sự là hay và mới được xem là di sản. STCo cũng vậy, STCo phải có môi trường. Ví dụ như các buổi liên hoan mừng ngày thành lập, các buổi hội làng truyền thống FPT, các đêm văn nghệ cây nhà lá vườn, hay ở các đám cưới. Một đám cưới nếu có và không có STCo thì khác hẳn Không có STCo thì xem như không phải ngày cưới của thành viên FPT.


Nhân tiện tôi xin nhắc đến một vài kỷ niệm đẹp về STCo. Hôm đó Tổng hội TP HCM có tổ chức một buổi liên hoan cho các anh em tại số 32 Trương Định (nhà FPT IS lúc bấy giờ). Tiệc khoảng non trăm người, tổ chức ngoài sân. Đang ăn uống hát hò ngon trớn thì trời đổ mưa to, trong khi mọi người ngao ngán chờ mưa tạnh thì tôi và anh Hậu già bảo khởi động lại ban nhạc và tiếp tục chơi. Hai anh em nhào hẳn ra ngoài mưa ca bài đoàn FPT. Ca được dăm ba câu thì từ từ các anh em còn lại cùng nắm tay nhau ra ca hát nhảy múa tưng bừng dưới cơn mưa, một hình ảnh cực kỳ cảm động và hào hùng. Đấy là tinh thần FPT, tinh thần STCo.


Đám cưới tôi vào năm 2004 cũng vậy. Kể từ lúc xong nghi thức là lúc mà sân khấu luôn ngập tràn tiếng hát của anh em công ty. Có những chú như DươngVN, hay GiaLH cả tiệc hầu như chẳng ăn gì, chỉ uống bia và lên sân khấu. Đó là kỷ niệm sâu sắc nhất mà tôi ghi nhớ mãi trong đời.


Và còn nhiều kỷ niệm đẹp về STCo với anh em mà tôi không nhớ hết. Chỉ nhớ một lần nọ lâu rồi, anh em FPT Service tham gia diễn văn nghệ tại Sân khấu Cung VHLĐ. Đội hình FSC diễn tiết mục gần cuối mang tên “Bao Công xử án”, với anh HuyLN thủ vai chính, tôi và DươngVN vai phụ cùng vài ba anh em khác. Trộm nghĩ nếu mà ngồi chờ tới lượt thì rất lâu, thế nên anh Huy rủ cả hội ra quán VyVy đường Nguyễn Văn Thủ lai rai tí, ai ngờ xung độ quất đến xỉn luôn. Đến giờ diễn không những không hồi hộp lo lắng mà còn diễn cực kỳ tốt và đạt giải cao. Chỉ có điều lời thoại hôm đó hoàn toàn không nằm trong kịch bản.


Nói đến đây các bạn chắc ít nhiều cảm nhận được cái “sướng” mà STCo mang lại cho nhân viên FPT rồi chứ? STCo là một “Passport” rất tốt để bạn đi xin việc, để bạn làm việc, để tiếp khách hàng, để gặp anh em. Kỹ năng giao tiếp bạn sẽ được cải thiện đáng kể nếu bạn chọn STCo làm người bạn đồng hành. Ngày nay, các anh em vẫn đang nhiệt huyết để STCo được phát huy hơn nữa. mọi người ai cũng mong muốn tạo ra sự khác biệt. STCo đã thực sự tạo ra sự khác biệt cho riêng mình, cho FPT, điều mà các anh khai quốc công thần ngày xưa từng mong muốn.


Thật ra Văn hóa FPT còn nhiều cái hay riêng nữa, việc tôi đang ngồi đây viết bài tham gia sử ký 25 năm cũng là một nét văn hóa đặt trưng của tập đoàn FPT. Thi trạng hay ngày truyền thống góp sức cộng đồng 13/3 hàng năm cũng là văn hóa, cũng góp phần vào sự nghiệp phát huy trường tồn tổ chức FPT. Giống như lời phát biểu ngắn gọn đầy súc tích của anh Hoàng Minh Châu: “Văn hóa còn thì tổ chức sẽ còn”.


Nguyễn Trường Vinh - Sử ký FPT 25 năm

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn