Lịch sử ra đời STCo

Một hiện tượng văn hóa độc đáo chính thức xuất hiện tại FPT vào ngày 13/09/1992 đã trở thành một món ăn tinh thần của người FPT trong suốt nhiều năm về sau. Món này được gọi bằng cái tên Stico (STC).


STC là viết tắt của một cái tên nửa âm - nửa dương, nửa ta - nửa tây - Công ty Sáng tác và tên tiếng Anh là Sáng tác Company. Trong một số tài liệu còn được ghi là Stico hoặc STCo. Nhưng cách phát âm chỉ có một - Sờ ti cô.

Ông Hoàng Minh Châu, một nhà văn hóa gạo cội trong FPT, khẳng định: “STC không phải là một cục “sét hòn” từ trên trời rơi xuống. Trong sâu thẳm, nó được bắt nguồn từ kho tàng ca dao, dân ca Việt Nam. Những chàng sinh viên khoa Toán Cơ thuộc Trường Đại học Tổng hợp Matxcơva rất thông minh và rỗi rãi, đã chắt lọc những ý tưởng của thời đại, biến nó thành ý tưởng của mình, hà hơi cho các giai điệu và không ngờ đã mang lại sức sống mới cho các làn điệu dân ca. Một số tác phẩm theo giai điệu chèo, quan họ hay cò lả ngày nay chúng ta vẫn hát thực ra đã được sáng tác từ trước, chỉ có lời được thay đổi vài chỗ cho phù hợp với môi trường mới trong công ty. Không hiểu ngẫu nhiên hay do tạo hóa sắp đặt, những chàng sinh viên này lại hội tụ trong công ty FPT, để rồi cái mầm văn hóa STC của cái khoa Toán Cơ ngày đó có môi trường để phát triển thành cây STC ngày hôm nay. Như vậy có thể nói, ít nhất, văn hóa STC có từ ngày đầu thành lập công ty và cái ý định tách bạch STC ra khỏi FPT cũng vô nghĩa như tách linh hồn ra khỏi thể xác”.


Chủ tịch Trương Gia Bình cùng anh em cùng biểu diễn một nhạc phẩm STCo mang tên "Vision FPT" .
Ảnh: Internet

Thủ lĩnh STC Nguyễn Thành Nam cho rằng: “STC ra đời cùng với FPT. Đất nước thời điểm đó đang trì trệ, kinh tế không phát triển, nhưng một không khí đổi mới hừng hực có thể cảm nhận được khắp nơi. Những người sáng lập, lúc đó còn là những thanh niên trẻ, háo hức, quyết không chấp nhận “như cũ”, đã mơ ước “xây dựng một công ty kiểu mới” mặc dù cũng không ai hiểu kiểu mới là kiểu gì. STC với slogan “Sáng tác theo tinh thần mới, theo nghị quyết mới” thực sự phản ánh tinh thần cốt lõi của những người khai phá lúc đó: Mong muốn sáng tạo không ngừng của cả tập thể. Bởi thế STC không phải là văn hóa mà là một phong cách sống. STC gắn với FPT như phong cách gắn với con người. Tinh thần STC điều chỉnh mọi hành vi của người FPT lúc đó”.

Ngược trở lại thời gian những năm tháng trước đó, ngày Quốc tế phụ nữ 08/03/1989, tại Khách sạn La Thành, trong cao trào hát hò rã rượu, ông Phan Ngô Tống Hưng bất ngờ cất lên câu hát “Thằng Tây nó tiến thì mình giật lùi, thằng Tây nó lúi (lùi) thì mình giật tiền, đầy túi mới thôi...”. Tất cả mọi người có mặt đều rất tâm đắc với câu hát này. Đặc biệt ông Trương Gia Bình, người luôn cho rằng FPT thời kỳ đó như một đội quân ra đi từ gian khó nhưng luôn quyết tâm đánh trận nào thắng trận đó. Giai điệu hào hùng, quyết thắng của bài hát đã được tiếp tục thêm lời và trở thành bài Đoàn FPT - bài hát chính thức của người FPT. Đây là bài hát được hát nhiều nhất trong FPT và được công diễn tại nhiều nơi nhất, từ Nga, Mỹ, Nhật, Châu Âu, châu Phi, Châu Úc và khắp mọi nơi có mặt người FPT. Bài hát cũng được phối ngẫu hứng theo nhiều thể loại nhất, từ giao hưởng hợp xướng, dân ca, solo, đồng ca, tốp ca đến nhạc không lời...

Ngày 13/04/1991, tại Khách sạn Đông Đô (Hà Nội), STC công bố chính thức các xu hướng nghệ thuật của mình: hát, đọc thơ, múa. Cũng tại đây, nghệ sỹ Nguyễn Thành Nam đã công diễn lần đầu điệu múa nổi tiếng “Thiên nga giãy chết”.

Ngày 13/09/1992, trong dịp kỷ niệm 4 năm ngày thành lập FPT, STC chính thức ra mắt công khai với người FPT. Thủ lĩnh Nguyễn Thành Nam đã đọc Quyết định thành lập STC. Trong Quyết định có đoạn ghi: “Stico kinh doanh tất cả các mặt hàng tinh thần: hát, múa, kịch, văn, thơ, họa...”.

Từ ngày 01 đến ngày 03/01/1993, tại khu biệt thự Tây Hồ, STC mở trại sáng tác thu hút đông đảo các văn nghệ sỹ FPT. Nhà thơ Vũ Quần Phương, Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội đã đọc diễn văn khai mạc. Tại tiệc rượu liên hoan ngay tối hôm đó, theo lời một nhân chứng còn tỉnh táo thì sau khi nghe các tác phẩm STC, nhà thơ Vũ Quần Phương đã ngỏ lời muốn kết nạp STC là hội viên không chính thức của Hội Văn nghệ Hà Nội. Bế mạc Trại sáng tác chỉ có 2 tác phẩm ra đời, đó là bài thơ “Bún ốc” của Hùng Râu và bài hát “Tô Tuấn” của nữ nghệ sỹ Nguyễn Thanh Huyền.

Xuân 1993, STC lần đầu tiên được biểu diễn chính thức tại sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội với “Liên hoan Ca Múa Nhạc Kịch FPT” nhân dịp kỷ niệm FPT tròn 5 tuổi. Nhiều tác phẩm bất hủ được giới thiệu, đặc biệt STC cho ra mắt 2 bài hát dân ca “Cây trúc xinh” và “Cò lả” do các nghệ sỹ nổi tiếng Nguyễn Khắc Thành, Ngô Huy Thọ, Nguyễn Khánh Văn trình diễn trước đông đảo quan khách trong và ngoài công ty.

Ngày 13/06/1994, FPT Small - tổ chức tinh thần của con em người FPT ra đời với các “măng non” Trương Ngọc Anh, Lê Nữ Cẩm Tú, Bùi Nguyệt Minh và Đỗ Ngọc Mai... Liên tiếp sau đó là hai buổi biểu diễn được hoan nghênh nhiệt liệt tại Sầm Sơn và Khách sạn La Thành ngày 13/09/1994. Hè 1995 tại bãi biển Non nước (Đà Nẵng), FPT Small đã làm nên cái “đinh” của cuộc gặp gỡ lịch sử FPT hai miền Nam - Bắc.

STC có rất nhiều nghệ sỹ nổi tiếng như Trương Gia Bình, Lê Quang Tiến, Hoàng Minh Châu, Nguyễn Thành Nam, Phan Ngô Tống Hưng, Nguyễn Điệp Tùng, Nguyễn Thanh Huyền, Nguyễn Bạch Điệp, Tô Minh Tuấn, Phạm Minh Hải... nhưng trong suốt hơn hai thập kỷ qua, chỉ có 2 người được tôn vinh danh hiệu cao quý nhất, đó là “Nghệ sỹ Nhân dân” Khắc Thành (Nguyễn Khắc Thành) và “Nghệ sỹ dân tộc” Hưng Đỉnh (Nguyễn Duy Hưng).

Giai đoạn 1989 - 1993 là giai đoạn sáng tác rầm rộ nhất của STC. Sau đây là một số nhạc phẩm tiêu biểu, đã được biểu diễn nhiều nhất:
- Đoàn FPT, ra đời 08/03/1989 gắn liền với tên tuổi nghệ sỹ Phan Ngô Tống Hưng.
- Công ty sáng tác, ra đời 13/04/1992 do nghệ sỹ Nguyễn Thành Nam biểu diễn lần đầu.
- ISC - Cùng đi marketing, ra đời ngày 08/03/1992. Bài hát đầu tiên về những người làm tin học FPT với tên tuổi Nguyễn Chí Công và Bùi Quang Ngọc, hai cao thủ tin học hàng đầu FPT.
- Người FPT, ra đời năm 1994 trên sân khấu Nhà hát lớn. Bài hát ca ngợi Hùng Râu (tức Lê Thế Hùng), một người đam mê và quyết tâm tạo ra các loại công nghệ cao theo ước mơ của Trương Gia Bình.
- Ôi! Cargo, ra đời tháng 04/1993. Đây là bài khó hát nhất và chỉ có một người hát được, đó là Nguyễn Duy Hưng (nghệ danh Hưng Đỉnh). Chỉ sau khi hát một bài này, Hưng Đỉnh đã được phong danh hiệu “Nghệ sỹ Dân tộc”.

Theo nhiều nghệ sỹ có thâm niên trong FPT, STC chính là món ăn tinh thần phong phú đối với người FPT. Nó tạo được những giây phút sảng khoái, hồn nhiên. Tạo môi trường bình đẳng và dân chủ. STC tạo sức mạnh đoàn kết khi tất cả người FPT cùng hát chung một bài trong các dịp bên nhau. STC là một nét độc đáo trong văn hóa FPT.

Ông Thái Thanh Sơn (nghệ danh là Sơn ti ti) viết về STC: “Thật đáng tiếc, đôi khi người đời nhắc đến Sờ-ti-cô mà quên không nói gì đến FPT. Nhưng ngược lại hễ có ai nhắc đến FPT thì cái tên Sờ-ti-cô lúc nào cũng được nhớ đến, lúc thì gào tướng lên ầm ĩ với một thái độ đầy kích động, khi thì lấm lét như muốn một phần nào che bớt đi dưới con mắt soi mói của thiên hạ cái sự thoả mãn đến tột bậc trong cái thú ăn chơi của các bậc vương giả trong đời. Phải, có lẽ vậy thật. Có cái thú nào siêu thoát hơn, thần tiên hơn bằng cái sự sáng tác, sáng tác đủ mọi thứ: Thơ-văn-nhạc-kịch-tranh-tượng...”.

Ban giám khảo (BGK) của cuộc thi là những thành viên “kỳ cựu” của nhà Cáo: Anh Hoàng Việt Anh (Tổng Giám đốc FPT Telecom), anh Đinh Tiến Dũng (Giám đốc Sáng tạo Truyền hình FPT) và anh Phan Phước Nhật (Trưởng phòng Văn hóa & Đoàn thể).

Đến thời điểm hiện tại, Văn hóa STC vẫn được giữ gìn và phát triển thông qua các hoạt động văn hóa phong trào tại các đơn vị. Các buổi sinh hoạt tụ tập của anh em thường cùng nhau hát những ca khúc STC. Hay trong năm qua phòng Văn hóa & Đoàn thể FPT Telecom đã tổ chức cuộc thi Sáng tác "STCo OKRs" kêu gọi anh em dùng các sáng tác của mình để cổ vũ, khích lệ tinh thần thúc đẩy công việc.

Nguồn: Bảo tàng FPT
Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn