Nỗi lòng người F xứ Chùa Vàng kẹt dịch

Covid-19 khiến biên giới Việt Nam - Campuchia đóng cửa gần 4 tháng nay. Nhiều CBNV có con nhỏ, bố mẹ già ở nhà, không thể chăm sóc khi bệnh tật hay ở bên vào những giây phút quan trọng.

Một ngày đầu tháng 6, anh Nguyễn Đức Duy - FPT Telecom Campuchia (OpenNet) nhận được cuộc gọi video từ cậu em 19 tuổi. Trên màn hình là hình ảnh người cha ngồi gật gù không còn sức sống, thức ăn bỏ một góc không ăn. Vội vàng nhận định tình hình, anh bảo người nhà cho cha nhập viện gấp. Người cha nhất quyết không chịu đi. Vợ và em trai Duy thuyết phục nửa tiếng không thành công. Từ Campuchia, lòng anh như lửa đốt. 

Duy nhớ lại trước đó nhiều lần đã đưa cha đi cấp cứu vào năm 2005 và 2017, nhờ cứu chữa kịp thời nên ông qua khỏi. Cha anh đã lớn tuổi, mắc bệnh trầm cảm, luôn cảm thấy cô đơn dù người nhà quan tâm hằng ngày, suy dinh dưỡng nặng và còn kéo theo một số bệnh khác. Sợ rằng nếu cha không nhập viện kịp thời sẽ có tình huống xấu nhất xảy ra, anh quyết định bảo em trai "cưỡng chế" bế cha lên xe đi cấp cứu.

Không thể ở cạnh cha trong cơn nguy kịch lần này khiến Duy không thể không khổ tâm. Dịch Covid-19 khiến 4 tháng nay anh không được về nhà. "Tình hình dịch bệnh như hiện tại thì đường về nhà vẫn còn xa lắm", Duy thở dài. "Nếu ở nhà có việc gì, chắc chắn tôi không thể xử lý trực tiếp được mà phải nhờ người nhà hỗ trợ".

Trước đây, anh có thể một tháng về nhà 5 ngày, chia làm 2 lần (cuối tuần) hoặc gộp 1 lần. Một mình nơi xứ người và để vợ, con nhỏ 2 tuổi 8 tháng, cha già, em trai còn tuổi ăn học ở nhà, anh mang trong mình những cảm xúc khó tả khi kẹt dịch: sốt ruột, nhớ nhà, rồi lại phải gạt đi để tập trung cho công việc,  phòng chống dịch và tập quen với trạng thái bình thường mới. 

FCAM-3-5966-1593770822.jpg
Anh Nguyễn Đức Duy - FPT Telecom Campuchia

Cũng đã 4 tháng nay vợ chồng anh Nguyễn Tống Quốc và chị Trần Thị Thủy Tiên chưa được về nhà từ khi đóng cửa biên giới Việt Nam - Campuchia. Làm ở 2 chi nhánh khác nhau, mỗi tối, anh chị lại cùng nhau gọi FaceTime về nói chuyện với 2 đứa con ở Việt Nam, đứa 8 tuổi đứa 4 tuổi. Ngày tổng kết cuối năm, cả ba và mẹ đều không có mặt nên chúng buồn lắm. Anh chị hứa về sẽ mua quà "đền" lại sau cho con.

Đi làm xa, mỗi khi gia đình có công việc gấp hay sự kiện, rất hiếm khi anh chị về được, phải có kế hoạch trước thì mới có thể về. Đã vậy, dịch Covid-19 ập xuống khiến anh chị cũng như bao anh em đồng nghiệp khác chịu cảnh cách ly mấy tháng trời.

"Ao cũng buồn vì ai cũng có gia đình, con nhỏ, đi lâu cũng nhớ. Nhưng tôi hay ghẹo anh em ở chi nhánh là 'yêu tổ quốc yêu đồng bào, ai ở chỗ nào ở yên chỗ ấy' là tốt nhất",  chị Tiên cười. "Đã xác định đi làm xa thì sẽ đôi khi sẽ có những lúc khó khăn như thế này và sẽ có những cảm xúc tiêu cực, phải đặt công việc lên vì trách nhiệm nữa".

FCAM-7.jpg
Bức ảnh gia đình chị Trần Thị Thủy Tiên luôn lưu trong máy.

"Con tôi mới 2 tuổi chắc đã quên mặt bố!", anh Huỳnh Quốc Tuỳn trải lòng. Cũng gần 5 tháng rồi anh chưa được về thăm vợ và con. Trước đây, thường mỗi tháng anh tranh thủ các ngày cuối tuần về nhà được 1-2 lần. Giờ đây, video call là phương tiện duy nhất để liên lạc với gia đình.

Anh Tuỳn sang Campuchia công tác đã gần 5 năm, nhưng sự cố dịch bệnh lần này anh chưa bao giờ ngờ tới. "Hiện tại FPT Telecom đã gần như trở lại trạng thái làm việc bình thường ở các văn phòng. Nhưng bên này các cơ sở y tế không đảm bảo như ở Việt nam, mọi người phải tự giác nhắc nhở nhau", anh cho biết.

Dự đoán tình hình chắc kéo dài đến cuối năm mới có thể về, CBNV nhà F xứ Chùa Vàng tạm yên lòng hơn khi có lãnh đạo kịp thời thăm hỏi động viên, tạo điều kiện nâng cao đời sống tinh thần, cơ sở vật chất nơi ăn ở sinh hoạt (tại nhà công ty thuê) và làm việc để mọi người yên tâm công tác, không quên nhắc nhở biện pháp giữ an toàn phòng chống dịch.

FCAM-2-8670-1593770822.jpg
FPT Telecom Campuchia chủ trương mang lại cuộc sống phong phú về tỉnh thần cũng như sung túc về vật chất cho CBNV.

Anh Đinh Quang Tuấn - GÐ FPT Telecom Campuchia chia sẻ: “Từ đầu năm 2020 liên tiếp gặp phải rất nhiều những vấn đề khủng hoảng trầm trọng bởi bệnh dịch, đứt cáp. Cạnh đó, tinh thần của đội ngũ người Việt đang làm việc và sinh sống tại Campuchia cũng gặp khó khăn vì cách ly do anh chị em không thể về thăm gia đình". 

Để ổn định tỉnh thần của mọi người, công ty đã chia sẻ nhiều về những phương án và kế hoạch nhằm giải quyết những khúc mắc, lo lắng về tài chính. Trong thời gian này, có rất nhiều doanh nghiệp đã cắt lương hoặc thậm chỉ sa thải nhân viên để giải quyết tình trạng khủng hoảng cho minh. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương của tập đoàn, FPT Telecom Campuchia cam kết CBNV đang làm việc sẽ không vì Covid mà gặp ảnh hưởng về thu nhập và công việc.

Đồng thời, rất nhiều hoạt động nhằm tăng năng suất lao động được liên tục đưa ra sau những sự cố từ dịch bệnh Covid đến đứt cáp quang biển và rời mạng, như chương trình Bayon Smiles - mỗi một nụ cười hải lòng đáp lại từ khách hàng chính là thành quả, sự tận tâm, nhiệt huyết phục vụ khách hàng của người OpenNet và điều đó sẽ giúp cho việc giữ chân khách hàng, khách hàng ngày càng trung thành và sử dụng dịch vụ dài lâu. Cạnh đó, công ty cũng đã nghiên cứu đưa các nội dung hấp dẫn vào việc phát triển dịch vụ tại đơn vị như Home Security nhằm gia tăng trải nghiệm dịch vụ của khách hàng đối với các dịch vụ của Opennet.

Những chỉ đạo kịp thời, chương trình hành động phù hợp của FPT nói chung và FPT Telecom nói riêng đã giúp rất nhiều cho đơn vị trong việc ổn định hoạt động kinh doanh sản xuất và nâng đỡ tinh thần của đội ngũ. Nhờ đó, hoạt động kinh doanh tại OpenNet vẫn tăng trưởng hơn so với những năm trước.

"Ban lãnh đạo Vùng 8 mong muốn có thể mang lại cho nhân viên cuộc sống ấm no và đầy đủ thông qua việc nâng cao năng suất lao động, sẽ giúp anh em có thu nhập cao hơn. Cam kết đầu tiên mà FPT Telecom Campuchia mang đến cho nhân viên của mình đó chính là cuộc sống phong phú về tỉnh thần cũng như sung túc về vật chất", Giám đốc FPT Telecom Campuchia khẳng định.

Nguồn: Chungta
Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn