Văn hóa FPT có gì hay?

Nhớ lại những năm đầu ngồi trên giảng đường đại học, tôi được biết đến 3 chữ FPT bằng một cách rất tình cờ khi theo dõi chương trình Khách của VTV3, lúc đó có sự góp mặt của “giáo sư” Xoay – Đinh Tiến Dũng. Thế nhưng, điều khiến tôi bất ngờ nhất đó là anh ấy tốt nghiệp ngành kỹ sư nông nghiệp, nhưng lại làm việc cho một tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam – FPT.


Từ những ấn tượng ban đầu về một FPT rất truyền thống qua các hình ảnh Hội làng, Hội thao, Hội diễn và một chất nhạc chế rất riêng mà chỉ FPT mới có. Bản thân tôi cũng là một người rất mê guitar, cùng với chuyên ngành tôi đang học lúc đó lại là Truyền thông văn hóa, thế nên khi bước sang năm cuối đại học tôi đã bắt đầu đặt mục tiêu rằng mình sẽ ứng tuyển vào FPT để làm việc. Sau nhiều lần “rải truyền đơn”, vào một ngày đầu thu tháng 8 năm 2018, tôi cũng đã chính thức được gọi tên và trở thành một Cán bộ Văn hóa & Đoàn thể tại một công ty thành viên của tập đoàn - FPT Telecom (FTEL), nơi tôi đang gắn bó đến ngày hôm nay. 

Ở FPT có rất nhiều cái hay có thể đem ra để định nghĩa là bản sắc văn hóa của FPT, điển hình là:

1. Hội làng

Ngay từ những năm đầu thành lập công ty, anh Trương Gia Bình đã khởi xướng tổ chức Hội làng bởi anh nhận định rằng: “Lũy tre làng là thành đồng của tổ quốc. Vì vậy, Hội Làng chính là biểu tượng sức mạnh của văn hóa dân tộc, là khát khao của FPT mong muốn chinh phục thế giới”.

Trước kia, cứ mỗi dịp Hội làng thì các CBNV sẽ cùng nhau mổ lợn, nấu bánh chưng và được ăn cỗ như ở đình làng,…Nhiều tiết mục văn nghệ ở Hội làng cũng rất hấp dẫn với màn diễn hài, hát ca trù và chèo.

Ngày nay, Hội làng giờ đã được tinh giản, chỉ diễn ra trong một buổi sáng hoặc chiều. Các lãnh đạo FPT sẽ được sửa soạn xúng xính trong trang phục truyền thống của vua quan ngày xưa như “cân đai, mũ mão” để thực hiện nghi thức tế lễ cúng bái trời đất, tiếp đến sẽ là phần hội với sự góp mặt của các gian hàng trò chơi dân gian, cách bày trí cỗ bàn tiệc đủ các món ăn truyền thống như: lòng lợn, bánh chưng, ngô, khoai, sắn… Mọi người vừa ăn uống vừa tham gia trò chơi, thưởng thức những tiết mục văn nghệ độc đáo và háo hức đón màn rước Trạng.


2. Thi Trạng FPT:

Cuộc thi Trạng FPT được tổ chức từ năm 1998, nhằm tìm ra những cá nhân xuất sắc, có năng lực, ham học hỏi và cầu tiến để vinh danh. 
Cuộc thi được tổ chức cho toàn thể cán bộ nhân viên trong tập tập đoàn đạt từ level 3 trở lên, trải qua các vòng Hương, thi Hội, thi Đình, từ cấp phòng ban đến quy mô Công ty. Người chiến thắng chung cuộc sẽ được tôn vinh là Trạng Nguyên FPT và được bổ nhiệm vào vị trí quản lý. 
 
Trong mỗi kỳ Hội làng, lễ sắc phong và vinh danh Trạng nguyên được tổ chức rất long trọng. Tam khôi được rước trên nền nhạc "Lưu thủy Kim tiền", bắt đầu bằng việc các chức sắc rước Trạng từ ngoài cổng làng vào sân khấu, sau đó đọc sắc phong (có ban Rùa). Tiếp đến, Trưởng làng ban rượu cho Tam khôi và mời cả làng nâng chén mừng xuân.


Ngoài lễ rước, Trạng nguyên FPT còn được được khắc tên trên bia đá được đặt trên lưng rùa và bày trang trọng ở văn phòng công ty để vinh danh.

3. Lễ hội 13/9

Lễ hội 13/9 là một trong những hoạt động lớn của FPT, được tổ chức thường niên nhằm kỷ niệm 'ngày thành lập' hay thường gọi là sinh nhật Tập đoàn.


Theo một số thông tin từ các thế hệ đàn anh, đàn chị đi trước đã kể lại rằng, không phải đến sau này, khi quân đông, tiền bạc dư giả, người FPT mới thích hội hè mà từ ngày xưa, lúc công ty chỉ có mấy người, cũng suốt ngày “đàn đúm”. Nhưng lễ hội được tổ chức bài bản, có quy mô đầu tiên phải kể đến là lễ kỷ niệm 5 năm thành lập FPT (khoảng những năm 1993). Từ đó, 13/9 hằng năm đã trở thành ngày hội truyền thống quan trọng nhất của công ty. Lúc đầu chỉ có ăn uống, sau thêm hội diễn văn nghệ và đại hội thể thao Olympic.

4.      Sao chổi:

Nếu Lễ hội 13/9 là sự kết hợp của rất nhiều nội dung văn hóa - nghệ thuật - thể thao thì với Sao chổi, người nhà F có thể hình dung được ngay là một sân chơi đặc trưng cho các hoạt động mang tính nghệ thuật với các thể loại chính là ca, múa, nhạc kịch.


Tôi rất ấn tượng với  với giới thiệu của nhạc sỹ Trương Qúy Hải trong đêm hôm đó rằng: “Đất nước có Sao Mai (Sao mai điểm hẹn) thì FPT dứt khoát phải có một ngôi sao khác, đó chính là Sao Chổi (Hội diễn văn nghệ). Nhưng Sao Mai chỉ là sự toả sáng của một ngôi sao duy nhất, thì Sao Chổi là sự toả sáng của hàng tỉ ngôi sao, trong đó phần lớn là các hạt bụi vũ trụ và 1 ngôi sao dẫn đầu, FPT chúng ta cũng thế, chỉ cần 1 người FPT có một chút năng khiếu bước lên sân khấu thì phía sau sẽ có hàng trăm người cùng bước lên múa hát và toả sáng, điều đó chẳng sao cả”. 

5. STCo

Được ra mắt lần đầu tiên tại khách sạn La Thành, Hà Nội vào ngày 13/9/1992, STCo là cụm từ được viết tắt từ chữ “Sáng tác Công ty”, là tên của một tổ chức không có thật nhưng được hiện hữu trong lòng mỗi thành viên FPT.


 STCo phát triển đến độ cực thịnh cùng với sự ra đời của các chức danh “Viện sĩ”, “Bát tiên”, “Thập tam quỷ” để tôn vinh những cá nhân có những đóng góp nổi bật cho phong trào FPT. Văn hóa STCo không chỉ thể hiện bằng những bài hát, thơ, kịch và các hình thức khác mang tính sáng tạo và hài hước mà còn thể hiện ở cách ứng xử giữa người với người trong FPT, một cách ứng xử chân thành, gắn bó thân thiết như ruột thịt.

Ngày nay, trong tất cả các sự kiện trọng đại của người FPT thì các bài hát STCo đã trở thành một thành tố rất quan trọng, gần như là không thể thiếu. Với đại đa số người nhà F, hầu như ai cũng sẽ biết và nằm lòng các giai điệu bài hát như: Đoàn FPT, Người FPT, FPT dòng sông lời thề, Mất giày, Em ở nhà quê mới lên... Ngoài ra, ở FPT còn có một số các ngày truyền thống khác như: Ngày FPT vì cộng đồng, Ngày hội thể thao, Ngày đi làm cùng bố mẹ, Ngày phụ huynh,...

Bạn ấn tượng với sư kiện nào trong văn hóa FPT? Chia sẻ cùng tôi nhé!

Nguyễn Lê

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn