Thế nào là hạnh phúc

Mỗi người sẽ có một cách định nghĩa khác nhau về hạnh phúc, nhưng để tạo ra cảm giác hạnh phúc cho chúng ta, cơ chế đều rất giống nhau, đó chính là tác động của các phản ứng sinh hóa trong cơ thể mỗi người.


Người ta nghiên cứu thấy có nhiều loại chất đem đến cảm giác hạnh phúc, nhưng chủ yếu là 4 loại sau:


Dopamine: Được cơ thể tiết ra khi ta hoàn thành các mục tiêu, cho ta cảm giác hài lòng tức thời. Ví dụ, với tôi là khi hoàn thành các kịch bản, hoặc mua được cái xe ô tô, hoặc xong một dự án. Lúc đó, cơ thể sẽ "ban tặng" cho tôi một chút Dopamine, vấn đề là càng ngày nhu cầu của chúng ta về Dopamine càng tăng, chúng ta càng ngày càng nhiều các mục tiêu để theo đuổi. Chúng ta nói về điều này một cách mỹ miều bằng những từ như đam mê, sự nghiệp, sứ mệnh... Nhưng thực ra là "nghiện" Dopamine của cơ thể ta thôi. 


Vận động rèn luyện thể dục thể thao giúp chúng ta có tinh thần sảng khoái nhờ Endorphin. Ảnh minh họa.


Endorphin: Được cơ thể tiết ra khi chúng ta tập luyện thể thao hoặc vận động nhiều, giúp chúng ta có cảm giác tràn trề năng lượng, xoa dịu nỗi đau. Cái này anh em nào có thói quen tập thể thao chẳng hạn, sẽ cảm thấy sự sảng khoái rõ rệt mỗi khi tập xong. Đó là nhờ Endorphin. Tiếc là cái này tôi hơi ít vì lười.


Serotonin: Sẽ được cơ thể tiết ra khi ta nhận được những lời khen, những lời tán thưởng. Hoặc đơn giản là status đăng trên Facebook nhận được nhiều like, thả nhiều tim... Với người nghệ sĩ, cảm giác đứng trên sân khấu nhận những tràng pháo tay từ khán giả đầy hạnh phúc thực ra là nhờ Serotonin, chất này gây nghiện kinh khủng. Hãy nhìn cách nhiều người làm đủ mọi cách để được tán thưởng, dù chỉ là trên Facebook mà xem.

Hạnh phúc khi ta chinh phục được mục tiêu, giành lấy một chiến thắng. Ảnh minh họa.

Oxytocin: Đây là hormon của tình yêu, được tiết ra khi có hành động vuốt ve, âu yếm, va chạm về mặt cơ học... Nhiều cô cậu học trò cứ nhớ mãi ngày được cầm tay người yêu này nọ, rồi cứ muốn được cầm nhiều hơn và cầm nhiều thứ nữa... thực ra là vấn đề đòi hỏi Oxytocin của cơ thể mà thôi.


Nghe hơi trần trụi, nhưng đó chính là cơ chế khiến chúng ta hạnh phúc. Ta cần nắm vững để khi tìm kiếm hạnh phúc, ta cũng biết là nên tìm ở đâu. Ví dụ, thay vì ngỏ lời lòng vòng, ta có thể đề cập thẳng: "Em (anh) có muốn một chút Oxytocin không?"


Đinh Tiến Dũng

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn