Từ thiện một cách lương thiện

Việc ban phát tình thương và tiền bạc bừa phứa, vô tổ chức đã vô hình trung tiêu diệt mọi động lực vươn lên của những người nghèo khó. Thay vì nỗ lực làm việc thay đổi số phận, họ chọn cửa nhàn nhã hơn là trở thành kẻ ăn xin lòng thương.


Tôi có anh bạn trước hay lượn cùng anh lên vùng cao chơi, thực ra vì anh có ô tô thôi chứ tôi chả ưa anh lắm. Theo tôi, anh hơi có vẻ hợm của và trọc phú. Tất nhiên với tôi, anh rất tốt. Cơ mà cách anh cư xử với bọn trẻ con gặp trên đường nó hơi kệch cỡm. Nhìn trẻ em dân tộc cởi truồng nhem nhuốc trong giá rét tôi động lòng, tính cho tí tiền thì anh đã dừng xe, quay kính đại khái bảo là xe bị hỏng, chúng mày đẩy giùm một đoạn rồi anh cho tiền.


Bọn trẻ con hè nhau đẩy cái xe chạy tầm dăm chục mét thì xe nổ. Tôi nhìn rõ anh vặn chìa khóa đề xe, cơ mà anh vẫn thò đầu ra cảm ơn và cho tiền. Tôi ghét cái thói dùng tiền nhử trẻ của anh, cho thì cho đi, còn bày trò hành hạ lũ nhỏ. Cơ mà tôi nghĩ thế thôi chứ chả nói ra, nói anh phật ý lại đuổi xuống thì… tiêu.



Mấy năm gần đây, tôi có lượn vài vòng miền núi phía Bắc và cảm thấy điều gì đó bất thường. Nhiều đoàn từ thiện mang áo ấm lên vùng cao, mà sao trẻ nhỏ chúng vẫn đói rách. Thậm chí có đứa bé tôi gặp ở Mèo Vạc năm ngoái còn thấy tận mắt có người cho nó cái áo phao ấm, năm sau tôi quay lại vẫn gặp nó cởi truồng thò lò mũi xanh xin tiền mua bút đi học. Phải chăng bọn trẻ con nhận thấy rằng nếu ăn mặc ấm áp, sẽ ít “câu” được sự thương hại hơn là cởi truồng như thường thấy?


Hôm nọ đọc bài về người Mỹ từ thiện cũng bắt trẻ con phải khuân đồ trên xe xuống, sắp xếp gọn gàng rồi mới phát quà tôi chợt nhớ tới anh bạn dạo nào. Nhẽ hồi đó anh xử sự như vậy là có cái lý của anh. Việc cho tiền quà bánh trẻ nhỏ gặp trên đường quá dễ dãi sẽ hình thành cho chúng một thói quen xấu? Vô hình trung việc đó biến những đứa trẻ nhẽ ra phải đến trường bỗng trở thành công cụ kiếm tiền cho bố mẹ chúng? Tôi rất băn khoăn.


Gần đây, tôi thấy rộ lên một phong trào nhà nhà từ thiện, người người từ thiện. Hè nhau tiêu thụ nông sản giúp người nông dân, mở các quán cơm 2.000 đồng cho người thu nhập thấp, chỉ cần một bức ảnh hoàn cảnh đáng thương trên mạng là sẵn sàng có cả nghìn người ùa tới cho tiền… Sao làm từ thiện dễ quá người ơi. Nhưng khi cơn cực khoái cảm giác mình no đủ và ban phát cho người khác của những người làm từ thiện qua đi, thì chính xã hội lại là nạn nhân của các cơn từ thiện như vậy.


Hãy nhìn xem Hào Anh sống ra sao khi không được chu cấp nữa? Ông bố vá xe sống lang thang cùng cô con gái như thiên thần sau khi tiêu hết tiền từ thiện lại kéo nhau ra đường sống, mặc dù có người sẵn sàng cho họ ở trọ không thu tiền. Ông bố đủ khôn để biết nếu có nơi ăn chốn ở ổn định cho hai đứa con gái, sẽ chẳng còn ai cho ông tiền. Các quán cơm bán phá giá với mức 2.000 đồng sẽ khiến cho nhiều quán cơm khác xung quanh phải đóng cửa, và người nghèo thay vì phải kiếm 20.000 đồng cho một bữa cơm thì giờ chỉ cần đủng đỉnh kiếm 2.000 đồng là đủ… Xã hội sẽ phải gánh chịu một tên trộm Hào Anh, một ông bố rượu chè và đánh đập con cái vì chúng không xin được tiền, và hàng trăm ông bà chủ hàng cơm cùng nhân viên của họ ra đứng đường…



Việc ban phát tình thương và tiền bạc bừa phứa và vô tổ chức đã vô hình trung tiêu diệt mọi động lực vươn lên của những người nghèo khó. Thay vì nỗ lực làm việc thay đổi số phận, họ chọn cửa nhàn nhã hơn là trở thành kẻ ăn xin lòng thương.


Ở một số nước trên thế giới cũng như một số bang trên đất Mỹ, bạn có thể bị coi là phạm tội khi cho tiền hoặc thức ăn cho người vô gia cư. Nghe thật tàn nhẫn nhưng việc đó ngăn chặn dòng người vô gia cư đổ về các thành phố lớn, khiến những người lao động ở đây phải gánh thêm gánh nặng của người vô gia cư. Người nghèo luôn được tạo cơ hội để kiếm sống chân chính, nhưng không có cơ hội để lười biếng và trở thành ăn bám. Khi bạn chấp nhận là một người vô gia cư, ăn bám vào xã hội, bạn sẽ không được quyền sở hữu bất kỳ tài sản gì, và gần như không còn đầy đủ quyền công dân nữa. Đấy chính là động lực thúc đẩy bạn phấn đấu thoát ra khỏi tình trạng tồi tệ đó. Chứ nếu ăn xin mà có 24 cây vàng dắt cạp quần như ông lão ăn mày ở TP HCM thì ai chả mong muốn đóng cửa đi ăn mày?


Như vậy, làm từ thiện một cách lương thiện không phải là một việc dễ dàng nhưng không phải là không khả thi. Anh bạn tôi kể trên, hiện đã sang Anh sinh sống, khi được tôi hỏi làm sao để vừa thỏa mãn được tâm nguyện làm việc thiện của mình, vừa không gây cản trở cho xã hội anh đã kể cho tôi nghe một câu chuyện. Hàng xóm của anh bị ung thư giai đoạn cuối và gần như không thể cứu chữa. Ở Anh, y tế công cộng gần như miễn phí, nhưng tại vùng anh đang sống, luật pháp không cho phép sử dụng một loại thuốc đặc hiệu có thể kéo dài sự sống của người bệnh ung thư thêm một thời gian nữa. Lúc này, một số nhà hảo tâm và làm từ thiện biết được sẽ liên hệ tới một vùng khác, nơi mà cho phép sử dụng loại thuốc kia, sau đó thuê nhà, thuê phương tiện vận chuyển anh hàng xóm sang vùng đó để điều trị. Họ phải làm loằng ngoằng tốn kém như vậy để không vì cứu người mà vi phạm pháp luật.


Như vậy có thể thấy một điều, những người làm từ thiện ở Anh không can thiệp hay giẫm chân lên các việc mà nhẽ ra chính phủ phải làm. Họ sẽ chỉ làm những công việc đúng luật ngoài phạm vi trách nhiệm của chính phủ. Thay vì mở một hàng cơm 2.000 đồng bán phá giá cho người nghèo, họ sẽ mở một nhà hàng và làm thủ tục xin phép được miễn phí cho người nghèo vào một ngày nhất định trong tuần với số lượng suất ăn nhất định, để không làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh của các cửa hàng khác xung quanh. Thay vì góp tiền cho Hào Anh mua nhà, mua xe máy, họ sẽ kiếm cho em một việc làm phù hợp và cử người giám sát mức độ thích nghi của em với công việc mới…


Đấy chính là cách làm từ thiện một cách lương thiện. Còn một cách nữa, dễ dàng và đỡ vất vả hơn, đó là nỗ lực làm việc và cố gắng không trở thành gánh nặng cho xã hội, vậy đã là từ thiện lắm rồi.


Trương Anh Tú

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn