Tôi đã xin việc như thế nào

Đừng than trách vì cuộc sống vốn không công bằng và không thiếu những điều vô lý. Dù thế nào, chúng ta cũng vẫn phải sống trong thế giới này, hãy tìm cách thích nghi và nỗ lực hoàn thiện mình.

Một bữa nọ, mới sáng sớm vào mạng xã hội thấy một sinh viên của mình đang làm hồ sơ xin việc chia sẻ bài vụ đáp trả nhà tuyển dụng của một sinh viên vừa bị từ chối, rồi em ấy tự hỏi có khi nào mai mốt mình cũng làm vậy không? Hết hồn nên cũng vào đọc. Lại thấy thêm nhiều bạn chia sẻ nữa, mà khổ nỗi nhiều học trò yêu dấu của mình vừa tốt nghiệp, cũng đang long đong xin việc, lo mấy em "dại dột" học theo bạn ấy nên mình cũng ráng viết ra mấy dòng "tiết lộ những bí mật động trời" này của mình.


Bỏ qua cái thời thơ dại đi xin việc trần ai mà không đâu thèm nhận khi mới tốt nghiệp đại học, tôi nói về chặng đường sau khi về nước với cái bằng "thạc sĩ nước ngoài" ở trường đại học cũng kha khá "danh giá" ở Anh và 3 năm kinh nghiệm đi dạy.


Đầu tiên là tôi cũng thất nghiệp vì cái tội làm xong thạc sĩ còn bon chen lấy học bổng chính phủ Hà Lan, qua đó học khoá ngắn hạn rồi rong chơi bờ bụi châu Âu nên về giữa học kỳ, lớp ĐHSP đã xếp hết nên chơi không. Vừa rảnh vừa không có tiền nên phải lóc cóc đi kiếm việc. Việc gì cũng làm, bị người ta soi "trình độ", nghi ngờ, từ chối cũng "muối mặt" mà nhịn. Mà gian nan lắm, cũng nộp hồ sơ, chờ dài cổ, rồi hẹn lên xuống, đi tới lui.


Không có chuyện gì làm, một người bạn thấy tội quá, kêu qua trung tâm Anh văn mà bạn làm quản lý, rồi bạn nói giúp với hiệu trưởng cho dạy Anh văn... thiếu nhi, thiếu niên. Cũng rầu lòng, tủi thân lắm chớ nhưng còn đỡ hơn ở không. Nhưng có điều là hiệu trưởng cũng không tin tưởng khả năng dạy thiếu nhi nên giao lớp luyện thi A, B, C gì đó. Cạy cục soạn bài, đi dạy và chịu sự giám sát của cô hiệu trưởng. Bữa nào học trò học xong với mình, cô cũng hỏi tụi nhỏ: Cô Huyền dạy có được không? Con có thích không? Học có vui không... Tôi dạy, cô cũng tới lớp, đứng ngoài nhìn. Bực hông các bạn? Bực thì làm gì. Nghỉ dạy chắc. Cũng không sao, người ta đâu có thiếu giáo viên nên sẽ cho nghỉ liền. Dù không quá cần tiền nhưng tôi không làm vậy. Vẫn dạy đàng hoàng, tử tế cho tới khi xin nghỉ hẳn vì công việc ở Sài Gòn thì cô hiệu trưởng bày tỏ sự tiếc nuối.


Tôi còn trải qua chặng đường ngắn làm giảng viên cho một trường cao đẳng khác trước khi nộp hồ sơ đi dạy ở ĐH FPT. Qua vòng hồ sơ, trưởng phòng đào tạo kêu tới phỏng vấn. Điều khiến mình hơi định kiến về trường là phản hồi chưa tốt của cô bạn từng làm giảng viên ở đây. Ban đầu tôi tính bỏ nhưng sau lại quyết định thử tới phỏng vấn xem sao.


Buổi phỏng vấn khá lâu, đủ thứ trên trời dưới biển. Tôi thấy chị Nguyễn Hồng Phương, Trưởng Ban Đào tạo và Phát triển chương trình, sắc sảo, lịch sự, chừng mực. Ban đầu, đương nhiên là chị phủ đầu bằng sự "khó khăn" trong việc giảng dạy ở đây, rồi các câu hỏi về kinh nghiệm giảng dạy của mình. Cũng hơi tự ái nhưng mình cũng trả lời đàng hoàng. Rồi chị đưa cho một chương trong quyển giáo trình môn học bằng tiếng Anh kêu về chuẩn bị, bữa sau dạy thử, sẽ có giảng viên khác của bộ môn dự giờ. Việc này khiến mình lấn cấn bởi lúc đó đã đi dạy được 4 năm qua nhiều chỗ mà vẫn phải dạy thử.


Tới ngày, tôi dạy thử cho chị trưởng ban và một giảng viên khác dự. Cả hai đóng vai sinh viên "quậy tưng bừng" với đủ câu hỏi, thái độ bắt bẻ... Mình luôn bình tĩnh, thoải mái. Chưa hết 30 phút thì anh giảng viên nói: “Thôi, em khỏi dạy nữa. Chị Hồng Phương phải ký hợp đồng ngay với cô này. Không để cổ thoát. Bao năm dự tuyển giảng viên ở đây, lần đầu mới thấy có người dạy mà tôi thích vậy”.


Đi dạy rồi nhưng tới đầu năm, trường tuyển một đợt giảng viên mới, bắt mình đi dự training trong mấy ngày. Thiệt lòng là vụ này làm mình bực nhất vì vô lý. Lúc đó chợt nghĩ, mình vừa làm giảng viên ở ĐHSP, vừa chuyên môn về Lý luận dạy học mà còn phải đi nghe lại nhưng điều rất chung về dạy học, dành cho những người gần như chưa bao giờ đi dạy. Mình vẫn đến dự, và phát hiện cũng có nhiều điều mới mẻ dù người training là chị Hồng Phương không phải dân chuyên về tâm lý, giáo dục hay đào tạo giảng viên. Càng cộng tác làm việc lâu, mình càng ưng ý với môi trường làm việc chuyên nghiệp ở đây. Giảng viên được tôn trọng, nhân viên phòng ban hỗ trợ rất nhiệt tình, một dạ hai thưa với giảng viên.


Tóm lại, dưới góc độ nhà tuyển dụng, người ta có những tiêu chí riêng khi tuyển người và họ cũng hiểu rõ công việc của họ cần người như thế nào. Các bạn chưa vô làm, chưa thể biết hết được để mà nói "việc đó dễ ợt, cần quái gì kinh nghiệm mới làm được"... Là nhà tuyển dụng, họ có quyền lựa chọn người có thể đóng góp tối đa cho công ty, tổ chức của họ vì thế việc họ hạn chế rủi ro bằng cách yêu cầu kinh nghiệm thì có gì sai?


Tôi không rõ trong câu chuyện của ứng viên được báo chí đề cập kia, bạn đã vào tới vòng phỏng vấn chưa nhưng nhà tuyển dụng giàu kinh nghiệm chắc chắn phán đoán phần nào về ứng viên qua bộ hồ sơ mà ứng viên gửi. Nhìn qua e-mail, thấy bạn viết sai ngữ pháp tiếng Việt tè le. Đầu câu không viết hoa, viết tắt vô tội vạ... chứng tỏ không phải là người cẩn thận. Chưa nói về cách dùng từ ngữ khá cục cằn, thiếu lịch sự. Nếu bộ hồ sơ thể hiện tính cách này của bạn, với vị trí nhân viên kho (mình không rành chi tiết công việc này nhưng nghe qua chắc tối thiểu cũng cần người có tính cẩn thận), là nhà tuyển dụng, mình sẽ loại bạn ở vòng gửi xe. Nếu tới vòng phỏng vấn, tính cách này kiểu gì cũng lộ ra.


Mình chẳng làm tuyển dụng nhưng vốn mắc bệnh nghề nghiệp nên cũng hay để ý. Nội cái chuyện bạn bước vào, cách ăn mặc, chào hỏi người khác, kéo cái ghế ngồi xuống, tư thế ngồi, ánh mắt, cử chỉ... cũng có thể phán đoán sơ về bạn. Những nhà tuyển dụng "lõi đời" sẽ phán đoán ngay bạn có phù hợp với môi trường của họ hay không. Có thể họ đánh giá năng lực bạn ổn nhưng tính cách khó hoà hợp với văn hoá công ty họ, nhà tuyển dụng cũng từ chối để nhận ứng viên khác.


Khi bạn bị nhà tuyển dụng từ chối, đừng có vội nổi đoá lên. Gửi 20-30 hồ sơ đi mà không có phản hồi, cũng đừng vội nản. Ít nhất có 1 tỷ người trên thế giới này giống bạn. Nếu thi tuyển mà rớt thì cũng không nản luôn. Điều đó cũng không có nghĩa là năng lực của bạn tệ hại, kém cỏi mà có thể những cái bạn có không phải là cái mà nhà tuyển dụng ấy đang cần. Tiếp tục tìm kiếm, thế thôi. Nếu nhà tuyển dụng nào phản hồi tỉ mỉ sau khi đánh rớt bạn, hãy cảm ơn họ vì nhờ vậy bạn cải thiện ở những lần xin việc sau.


Đừng than trách vì cuộc sống vốn không công bằng và không thiếu những điều vô lý. Dù thế nào, chúng ta cũng vẫn phải sống trong thế giới này, hãy tìm cách thích nghi và nỗ lực hoàn thiện mình.


Thu Huyền

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn