Tử tế có thể lan tỏa

Từ những ngày tháng 'gió bụi giang hồ tứ xứ' của bản thân, tôi nhận ra trên đời này, người tử tế không thiếu và khi chúng ta nhận được những điều tử tế từ người khác cũng sẽ sống tử tế hơn.

6h30, tôi đứng đầu ngõ mua bánh mì. Từ trong ngõ, một bà mẹ mặc bộ đồ nhàu nhĩ chở đứa con trai chừng lớp 6, lớp 7 ra trạm đón xe bus đi học. Không hiểu sao, thằng bé bước lên xe rồi lại bước xuống. Hai mẹ con nói gì đó rồi bà mẹ bước lại gần chị bán bánh mì năn nỉ: Em có mấy tờ 1.000 đồng, 2.000 đồng không, đổi dùm chị tờ 10.000 đồng nhé. Sáng sớm, đưa tờ 10.000 đồng, ông tài xế đuổi thằng nhỏ xuống, và nó sắp trễ học. Tôi không biết có phải người buôn bán thì kiêng đổi tiền sáng sớm không nhưng chị bán bánh mì làm lơ, tôi liền móc ví ra 3.000 đồng đưa chị, bảo: Thôi, em không có đủ tiền đổi cho chị, 3.000 đồng có đủ đi một chuyến xe bus cho bé không? Em cho bé ạ.


Chị cảm ơn, tôi đứng một lúc thì thằng bé lên xe, bà mẹ dúi theo bình nước, đứng dưới vẫy tay.


Tôi làm điều này không phải lần đầu, dù cũng có lần bị lừa, bởi tôi cũng từng được giúp đỡ như thế từ người xa lạ.


Cách đây 5 năm, khi tôi đi bụi từ Tây Ban Nha sang Pháp rồi về Hà Lan để từ Hà Lan bay về Việt Nam (do nhận học bổng tại Hà Lan nên người ta ta mua vé từ Hà Lan), tôi đi bus từ Paris, tới Amsterdam gần 12h đêm. Tiết kiệm tiền phòng trọ nên tôi quyết định đi thẳng ra sân bay Amsterdam ngủ dù đến 11h trưa hôm sau mới bay. Tới bến bus Eurolines ở Amsterdam, tôi lơ ngơ kéo 2 cái vali nặng muốn gãy tay lên bến tàu hỏi thăm, lúc đó sân ga vắng ngắt. Một nhân viên quét dọn chỉ là phải mua vé bằng xu ở máy vì bây giờ không có nhân viên bán vé. Tôi cần mua vé về bến Amsterdam Central rồi từ đó đi tiếp ra sân bay Amsterdam Shiphol. Hơi lo lo vì tôi không còn nhiều tiền mặt và đồng xu. Tuy nhiên, tôi vẫn đủ tiền mua vé tới Amsterdam Central. Chú nhân viên hỏi một chàng (tới giờ tôi vẫn nhớ gương mặt, dáng người cao lớn và chiếc sơ-mi kẻ sọc của chàng) đang chờ tàu có tới Amsterdam Central không, nếu cũng tới đó thì nhắc tôi cùng xuống. Chàng nhận lời ‘chăm sóc’ tôi.


Tàu chạy một đoạn, tôi hỏi: Cậu có biết đi từ Amsterdam Central tới Shiphol hết bao nhiêu tiền không? Tôi phải mua vé ở máy mà không chắc có đủ đồng xu không? Cậu bạn hỏi lại: Tớ không chắc lắm, chắc khoảng 5 Euro, cậu có bao nhiêu rồi? Tôi móc túi, đặt đống đồng xu (đủ mệnh giá tùm lum) lên lòng bàn tay, đếm. Đang còn lẩm nhẩm thì chàng thả đồng 2 Euro vào tay tôi: Chắc cậu cần thêm 2 Euro. Tôi đếm hết thì thấy mình còn hơn 5 Euro nên từ chối: Không, đủ rồi, cảm ơn cậu, tôi tự lo được, nếu không đủ, tới Central sẽ tìm người đổi tiền giấy ra xu. Chàng cương quyết đưa, tôi cương quyết trả (lúc đó sao hâm thế!) dù rất cảm động với chàng. Đi thêm chút nữa, chàng xuống tàu. Trước khi xuống, chàng dặn đi dặn lại tôi là chỉ thêm một bến nữa là phải xuống nhé.


Tới Amsterdam Central, tôi lại được một người bảo vệ ở ga gửi cho một cô tiếp viên hàng không cũng đang chờ tàu ra sân bay.


Từ những ngày tháng 'gió bụi giang hồ tứ xứ' của bản thân, tôi nhận ra trên đời này, người tử tế không thiếu và khi chúng ta nhận được những điều tử tế từ người khác cũng sẽ sống tử tế hơn. Tôi vốn dĩ cũng 'chả tử tế mấy' nhưng từ khi làm giáo viên, tôi sợ mình không tử tế thì học trò sẽ học theo, mà học trò của mình không tử tế thì vô số học trò của học trò sẽ có nguy cơ nhìn vào đó mà cư xử.


Bởi cả niềm tin và sự sợ hãi ấy nên tôi luôn gắng làm những điều tử tế mỗi ngày.

Thu Huyền

Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn