Nhạc sĩ Trương Quý Hải ra mắt ca khúc 'Lũy đá bất tử' sau 40 năm ấp ủ

''Sống bám đá đánh giặc. Chết hóa đá bất tử" là một trong những câu hát trong bài "Lũy đá bất tử" - ca khúc do nhạc sĩ Trương Quý Hải (Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT) phổ nhạc dựa trên câu chuyện cảm động của chiến sĩ Nguyễn Viết Ninh, người lính chiến đấu cùng tác giả đã hi sinh tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang).


40 năm sau những phát súng đầu tiên ở biên giới phía Bắc, nhạc sĩ Trương Quý Hải vẫn cho rằng thời gian trong quân ngũ là quãng thời gian đẹp của mỗi thanh niên. Mặt trận Vị Xuyên khi ấy quá khốc liệt, tuổi mới 21-22, anh Hải đã phải chứng kiến những đồng đội cũng trẻ măng như mình ngã xuống. Nhiệm vụ của anh Hải khi đó còn là công tác tử sĩ, chôn cất anh em. "Tôi bế xác anh em từ trên xe xuống, tìm thông tin, bê những quan tài lên chôn cất".


Nhạc sĩ Trương Quý Hải hát cùng CBNV Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT ca khúc "Lũy đá bất tử".


Sau khi Trung Quốc thông báo rút quân, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn dai dẳng. 35 năm trước, 12/7/1984 là ngày diễn ra trận chiến khốc liệt nhất tại mặt trận biên giới Hà Giang với bí danh MB84. Trong một ngày, 600 chiến sĩ sư đoàn 356 hy sinh. Cũng từ đó, ngày 12/7 trở thành “ngày giỗ trận”.


Nhiều năm sau, các đồng đội của Sư đoàn 356 có ước nguyện lập cây hương ở cao điểm 468 trong dịp kỷ niệm 30 năm sau chiến dịch MB84 để lấy chỗ “đi về” cho những liệt sĩ vẫn đang nằm lại chiến trường, chưa tập kết được về nghĩa trang liệt sĩ.


Ngày 6/3/2019, nhạc sĩ Trương Quý Hải đã phổ nhạc nên ca khúc "Lũy đá bất tử" dựa trên lời của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh cùng đồng đội. Nhạc sĩ nhà F viết lời tựa: "Mặt trận Vị Xuyên ngày 16/1/1985, đồng chí Nguyễn Viết Ninh bị thương trong trận đánh chốt giữ E2,E5, cao điểm 685. Đêm hôm đó, trong lúc tạm ngưng trận đánh, Ninh dùng lưỡi lê AK khắc tâm nguyện lên báng súng. Trận đánh ngày 17/1, Ninh bị thương lần hai. Đồng đội định đưa anh xuống tuyến sau, Ninh quyết không rời trận địa, vẫn chỉ huy anh em đánh giặc. Trận đánh sang ngày 18/1, Ninh bị thương lần 3. Rạng sáng ngày 19, trong vòng tay đồng đội, Ninh hy sinh khi trên tay vẫn ghì chặt cây súng với dòng chữ "Sống bám đá đánh giặc. Chết hóa đá bất tử". Những vần thơ đầu tiên của bài hát này đã ra đời như thế".



Nguồn: Chungta (3/2019)
Để lại bình luận của bạn.
Mới hơn Cũ hơn